Tổng Bí thư Trần Phú - Người cộng sản bất khuất, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi Đảng ra đời, trên cương vị Tổng Bí thư, Trần Phú đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Đồng chí được phân công soạn thảo Luận cương chính trị - Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Góp phần định hướng chiến lược cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, giàu lòng yêu nước, tuy bố mẹ mất sớm, nhưng được sự giúp đỡ của bà con họ hàng, Trần Phú đã nỗ lực dồn hết tâm trí cho việc học tập, trau dồi kiến thức.
Năm 1918, Trần Phú học xong bậc tiểu học tại Trường Pháp - Việt Đông Ba và sau đó tiếp tục học Trường Quốc học Huế. Năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành Chung làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh (Nghệ An). Tại vùng đất có bề dày truyền thống bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm, người thanh niên Trần Phú đã sớm được giác ngộ đi tìm đường cứu nước. Năm 1925, Trần Phú cùng một số bạn trẻ tuổi thành lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam, rồi lại đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng. Giữa năm 1926, đồng chí được tổ chức cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được tham dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên tổ chức. Sau đó, trở về nước hoạt động, nhưng do địch ráo riết truy lùng, đồng chí Trần Phú trở lại Quảng Châu, làm việc tại cơ quan Tổng bộ Thanh niên. Để tiếp tục nâng cao trình độ lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, Trần Phú được cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông. Tại đây, Trần Phú nỗ lực học tập, rèn luyện và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga, được cử làm Bí thư Chi bộ Đông Dương tại trường, theo thư giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc.
Sau khi tốt nghiệp, mặc dù đã bị Tòa án Nam Triều kết án tử hình vắng mặt, đầu năm 1930, đồng chí vẫn quyết định trở về nước hoạt động. Lúc này, ở trong nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập với Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đến tháng 7/1930, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được Trung ương lâm thời phân công soạn dự thảo Luận cương chính trị chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ nhất. Được giao trọng trách dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng chỉ trong thời gian ba tháng (từ tháng 7/1930 đến tháng 10/1930) để trình Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại căn buồng tầng hầm số nhà 90 phố Thợ Nhuộm (Hà Nội), đồng chí Trần Phú đã soạn thảo Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương được thông qua ở Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức vào tháng 10/1930 tại Hồng Kông. Đây là thành quả của quá trình dày công học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, vốn sống trải nghiệm qua khảo sát, nghiên cứu thực tiễn ở các địa phương của đồng chí Trần Phú cùng với ý kiến các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Cũng tại hội nghị này, Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, khi vừa tròn 26 tuổi. Từ tháng 10/1930, Tổng Bí thư Trần Phú chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương nghiên cứu, đánh giá tình hình cách mạng, kịp thời đưa ra đường lối chỉ đạo phù hợp với thực tiễn.
Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Trước mọi đòn tra tấn dã man của kẻ thù, Trần Phú vẫn một lòng kiên trung với Đảng. Ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), khi mới 27 tuổi. Trước lúc hy sinh, Trần Phú nhắn gửi đồng chí, đồng bào với câu nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Gần 68 năm kể từ ngày đồng chí Trần Phú hy sinh, phần mộ của đồng chí được tìm thấy tại Nghĩa trang Chợ Quán, Sài Gòn, nay là Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng ở Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 12/1/1999, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu. Sau đó đưa hài cốt đồng chí về an táng tại đồi Hội Sơn, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Về Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”; “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng…”.
Trần Phú, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung, bất khuất, mẫu mực; người con ưu tú của Đảng và dân tộc, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại một tấm gương sáng chói về chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản. Đảng, Tổ quốc và Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.