Tổng Bí thư Trần Phú và bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh hiện nay
Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam - đồng chí Trần Phú (quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) - đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong bối cảnh ngày nay, những cống hiến của đồng chí càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Kỷ niệm 119 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú 1/5 (1904-2023)
Tấm gương sáng ngời
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, quê gốc ở xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Trần Phú đã tham gia nhiều hoạt động tiêu biểu như: tham gia thành lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam, rồi lại đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng; sang Trung Quốc tham dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên tổ chức; được cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga; từng bị Tòa án Nam Triều kết án tử hình vắng mặt; được cử vào BCH Trung ương lâm thời và được phân công soạn thảo Luận cương Chính trị.
Tại Hội nghị BCH Trung ương (tháng 10/1930), đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, khi mới 26 tuổi. Sau khi bị địch bắt và tra tấn dã man, ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng.
Bằng tầm vóc lý luận của mình, đồng chí Trần Phú đã soạn thảo Luận cương chính trị được thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương Đảng. Đây là thành quả của quá trình dày công học tập, nghiên cứu lý luận chính trị và vốn sống trải nghiệm ở Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, vùng mỏ Quảng Ninh... Luận cương chính trị của Đảng đã khẳng định 2 nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân gắn liền với cách mạng XHCN.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Phú thường xuyên quan tâm củng cố tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng; chú trọng công tác tuyên truyền, xây dựng Đảng về tư tưởng. Từ đây có thể hiểu vì sao, cuối tháng 12/1930, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng bàn việc đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận cho đảng viên và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Tiếp đó, tháng 3/1931, đồng chí chủ trì Hội nghị lần thứ hai BCH Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương để bàn về công tác tổ chức của Đảng, của đoàn thể, đánh dấu sự ra đời của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc
Trong bối cảnh ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch có thêm nhiều phương thức để chống phá Đảng, Nhà nước ta bằng các chiêu bài thâm độc. Thậm chí, chúng xuyên tạc rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không còn mang bản chất của giai cấp công nhân. Trong khi đó, nếu nhìn từ thời kỳ vận động thành lập Đảng, thời kỳ đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư cho đến ngày nay, bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta là không hề thay đổi.
Đảng ta đại diện cho lợi ích, lý tưởng của giai cấp công nhân và lợi ích của quốc gia - dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu và cũng là người thầy của Tổng Bí thư Trần Phú từng khẳng định: Ngoài lợi ích của Nhân dân và của giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Đảng ta là kết tinh của giai cấp công nhân và gắn với quần chúng, thể hiện vai trò lãnh đạo, tinh thần phụ trách trước giai cấp và dân tộc.
Sinh thời, Tổng Bí thư Trần Phú rất quan tâm xây dựng Đảng về tổ chức và chú trọng vận động xây dựng các tổ chức quần chúng, xây dựng khối liên minh công nông. Bài học này mãi mãi có ý nghĩa quyết định trong xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, bất luận thời kỳ nào.
Bản chất giai cấp công nhân của Đảng còn thể hiện ở việc Đảng luôn tiên phong trong hoạt động thực tiễn và lý luận. Về hoạt động thực tiễn, có thể thấy rõ ở sự kiên quyết, cách mạng nhất và là động lực của phong trào công nhân.
Tổng Bí thư Trần Phú là tấm gương sáng ngời cho hoạt động thực tiễn đấu tranh cách mạng. Trên tinh thần “tin theo chủ nghĩa cộng sản” (Hồ Chí Minh), Luận cương chính trị của Đảng (tháng 10/1930) do đồng chí Trần Phú soạn thảo tuyên bố: “Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lê-nin làm gốc”.
Ngày nay, dù bối cảnh xã hội có nhiều đổi thay, chúng ta vẫn kiên định con đường như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cụ thể trong bài viết của mình: “Phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện”.
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhưng, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Trước thực trạng này, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đặt trong bối cảnh đó, tấm gương sắt son, một lòng một dạ với lý tưởng cộng sản, với Tổ quốc của đồng chí Trần Phú và các bậc tiền bối cách mạng trở thành tấm gương giáo dục, để mỗi cán bộ, đảng viên phải “tự soi, tự sửa”.
Bất chấp các thủ đoạn tra tấn tàn bạo, Tổng Bí thư Trần Phú vẫn quả quyết: “Ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các người nghe”. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng còn nhắn gửi các đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.
Trong bối cảnh ngày nay, chí khí chiến đấu của người cộng sản càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi chỉ có chí khí đó, bằng những biểu hiện sinh động, trong đó bao gồm thực hành đạo đức, mới xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường theo con đường XHCN.