Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới: Loay hoay mô hình khi sáp nhập cơ quan báo chí
Tại hội nghị báo chí toàn quốc, Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới đã chia sẻ về câu chuyện sáp nhập các báo đã làm và những trăn trở khi làm đề án sáp nhập các cơ quan báo chí sắp tới.
Chiều 16-12, tại TP Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Kiến tạo môi trường để phát huy vai trò báo chí
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những kết quả, biểu dương những thành tích xuất sắc mà các cơ quan báo chí đã đạt được trong năm 2024, góp phần vào sự phát triển, thành công chung của cả đất nước.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, những thành tích của báo chí trong năm qua có sự đóng góp quan trọng của công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, công tác hội; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan chủ quản và đặc biệt là sự nỗ lực, trách nhiệm của các lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, người làm báo cả nước.
Về định hướng trong thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí cần tiếp tục tuyên truyền sâu sắc, toàn diện, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Báo chí phải góp phần kiến tạo không gian phát triển mới, phải cổ vũ, tạo ra phong trào thi đua sáng tạo, đấu tranh mạnh mẽ với các rào cản, trì trệ, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân tạo nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Công tác thông tin, tuyên truyền cần trọng tâm, trọng điểm, tạo ấn tượng mạnh mẽ, tương xứng với tầm vóc của các sự kiện, có tính lan tỏa cao, phải tạo được niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 và các văn bản pháp luật về báo chí; tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực, kiến tạo môi trường để báo chí phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh nghề nghiệp.
Hai “mất mát” khi sáp nhập, chuyển đổi
Tại Hội nghị các đại biểu đã cùng trao đổi về thành tích, kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế, những vấn đề đặt ra đối với báo chí khi thực hiện sắp xếp…
Ông Nguyễn Minh Đức – Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới cho rằng, vấn đề sắp xếp tinh gọn bộ máy của cơ quan báo chí là công việc cần làm, nên làm và đến thời điểm thì phải làm. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra là làm như thế nào, giải pháp gì, tinh gọn thế nào để mạnh hơn mà tiết kiệm nguồn lực xã hội.
Ông Đức đã chia sẻ câu chuyện hợp nhất báo Hà Nội Mới và báo Hà Tây cách đây 15 năm; năm 2021 sáp nhập báo Pháp luật Xã hội vào báo Kinh tế đô thị…
Ông Đức cho biết, báo Hà Nội Mới hiện đang được Thành ủy Hà Nội giao cho sáp nhập ba báo Tuổi trẻ thủ đô, Phụ nữ thủ đô và Lao động thủ đô với nhân sự khoảng 150 người.
“Chúng tôi loay hoay mô hình sáp nhập như thế nào, ba báo thành ba ban của Hà Nội Mới hay thành tổ hợp truyền thông hay một tập đoàn báo chí” – ông Đức nói và cho biết, đề án đang hoàn thiện, dự kiến với quy định pháp lý hiện nay, ba báo này thành ba ban. Nguyên tắc là tiếp tục duy trì ấn phẩm để giải quyết công ăn việc làm; thực hiện nhiệm chính trị và phục vụ bạn đọc, vì ba tờ báo này có khối lượng, đối tượng bạn đọc khác với báo Hà Nội Mới hiện nay.
Chia sẻ lại ý kiến của các đồng nghiệp, Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới cho biết, với các địa phương nhiều cơ quan báo chí như Hà Nội và TP.HCM, “giá như trong Luật Báo chí có mô hình tổ hợp truyền thông hay tập đoàn báo chí thì chúng ta rất dễ sắp xếp. Nếu như Tuổi Trẻ, Thanh Niên hay Vietnamnet, Vnexpress quá trình sáp nhập mà phải chuyển đổi thì rất đáng tiếc, đó là tài sản cực cao của ngành truyền thông của chúng ta” – ông Đức nói.
Ông nói về “mất mát thứ hai”, đối với các báo địa phương theo quy hoạch 2020-2025, một địa phương có một báo và một đài, hiện có địa phương quyết nhập báo đài với nhau, có địa phương giữ nguyên, rất lúng túng. Ông Đức cho rằng, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ ngành liên quan phải thống nhất về mặt tổ chức thì lúc ấy chúng ta mới thực hiện được.
Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới cũng chia sẻ kinh nghiệm về giấy phép hoạt động trong giai đoạn chuyển giao cơ quan cũ và cơ quan mới; vấn đề tên miền của báo điện tử sau khi sáp nhập.
“Tôi xin kiến nghị nếu có hợp nhất, sáp nhập, những tên miền nào có uy tín rồi , khẳng định thương hiệu rồi thì nên duy trì, chứ biến thành tên miền cấp 2 thì rất khó” – ông Đức góp ý.
Cạnh đó ông cũng góp ý nên hỗ trợ tài chính tối thiểu ba năm để tiếp tục duy trì nhiệm vụ xuất bản ấn phẩm phục vụ bạn đọc cũng là cách để duy trì công việc của phóng viên, biên tập viên. Từ đó, ông Đức kiến nghị công tác nhân sự phải cân nhắc, nhất là đối với phóng viên, biên tập viên lớn tuổi, khoảng 40-55 tuổi sẽ gặp khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp…
Tổng kết mô hình cơ quan báo chí đặc thù
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đề nghị các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí sớm chủ động có phương án, giải pháp sắp xếp, tinh gọn, đảm bảo hiệu lực hiệu quả, phù hợp với đơn vị của mình, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Tới đây, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tổng kết một số mô hình cơ quan báo chí đặc thù để làm cơ sở đề xuất lên cấp thẩm quyền mô hình và phương án sắp xếp phù hợp với tình hình mới.
Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ sớm phối hợp cơ quan liên quan tổ chức các cuộc họp trao đổi với các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí đang khó khăn khi triển khai phương án sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy, để lắng nghe khó khăn vướng mắc cũng như tâm tư tình cảm và đề xuất…