Tổng Cty Thăng Long muốn vay 1.300 tỷ sau lùm xùm giả mạo hồ sơ thầu
Sau khi bê bối giả mạo hồ sơ thầu, Tổng Công ty Thăng Long quyết định vay BIDV đến 1.300 tỷ đồng bù đắp cho khó khăn trong tài chính của doanh nghiệp.
Ngày 24/9, HĐQT Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (HNX: TTL) đã thông qua Quyết nghị cấp hạn mức tín dụng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) - Chi nhánh Nam Hà Nội cho giai đoạn 2024 - 2025.
Theo đó, tổng mức vay và bảo lãnh được phê duyệt lên tới 1.300 tỷ đồng, trong đó hạn mức vay ngắn hạn là 300 tỷ đồng và hạn mức cấp bảo lãnh đạt 1.000 tỷ đồng.
Để thực hiện các giao dịch liên quan, Tổng Công ty Thăng Long sẽ sử dụng các tài sản thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp của mình, bao gồm cả tài sản bằng tiền, làm tài sản cầm cố và thế chấp theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, Tổng Công ty CP Thăng Long được thành lập ngày 6/7/1973. Đến ngày 7/5/2014, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Tổng Công ty Cổ phần. Công ty có địa chỉ tại số 72 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty hiện đang là ông Vũ Anh Tuấn. Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Việt Hà.
Theo báo Thanh tra, gần đây, Tổng Công ty CP Thăng Long bị phát hiện làm giả nhiều tài liệu liên quan đến năng lực nhân sự và thiết bị kỹ thuật trong hồ sơ dự thầu Gói thầu số 12, một gói thầu thi công trị giá hơn 300 tỷ đồng tại tỉnh Lào Cai. Gói thầu này liên quan đến việc thi công đường Tỉnh lộ 155 từ cầu Móng Sến đến Sa Pa, với dự toán được phê duyệt là 303,8 tỷ đồng.
Dù có 4 nhà thầu tham gia, tất cả đều không đáp ứng yêu cầu. Hồ sơ của Tổng Công ty CP Thăng Long bị cho là sử dụng tài liệu giả, cụ thể là nhân sự đề xuất không có văn bằng tốt nghiệp hợp lệ theo xác nhận từ Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Hơn nữa, hồ sơ cũng đính kèm hai giấy chứng nhận kiểm định thiết bị thi công không được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền. Kết quả kiểm tra cho thấy các tài liệu này không có giá trị pháp lý, dẫn đến việc hồ sơ của Tổng Công ty Thăng Long bị loại. Tổ chuyên gia đấu thầu đã kiến nghị xử lý vi phạm đối với nhà thầu và các cá nhân liên quan.
Tình hình tài chính của Tổng Công ty Thăng Long rất khó khăn
Bên cạnh việc giả mạo tài liệu, Tổng Công ty Thăng Long – CTCP cũng chấp nhận giảm giá thầu đến 18,6%, trong khi tỷ lệ giảm giá các nhà thầu khác là 0% và 0,5%.
Đáng nói, Tổng Công ty Thăng Long - CTCP chấp nhận giảm giá sâu gói thầu trong bối cảnh bức tranh tài chính có nhiều điểm đáng chú ý, tiền mặt còn hơn 1 tỷ, tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, và nhiều khoản tiền gửi ngân hàng đang được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của tổng công ty và công ty con tại các ngân hàng.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ cho kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2024 của Tổng Công ty Thăng Long cho biết, tổng tài sản TTL đạt 2.521 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Trong đó, tiền và trữ tiền có 174 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 398 tỷ đồng hồi đầu năm. Tiền mặt công ty còn hơn 1 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng 95 tỷ đồng.
Tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng có 58 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn hơn 12 tháng có 20 tỷ đồng. Đáng nói, các khoản tiền có kỳ hạn hiện đang được công ty sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của tổng công ty và các công ty con tại ngân hàng.
Hơn 1.200 tỷ đồng, tương ứng với 47% tổng tài sản công ty đang nằm ở phải thu ngắn hạn, điều này đồng nghĩa với phần lớn tài sản đang nằm ngoài công ty. Trong đó, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên đến 164 tỷ đồng (hơn 10% tổng số tiền phải thu ngắn hạn).
Nợ phải trả TTL tính đến ngày 30/6/2024 còn 1.880 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng sau 6 tháng. Chiếm phần lớn nợ phải trả của TTL là nợ ngắn hạn với 1.824 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại ngày 30/6/2024, nợ vay ngắn hạn Tổng Công ty Thăng Long còn 754 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều với lượng tiền mặt (hơn 1 tỷ đồng) và tiền gửi ngân hàng (95 tỷ đồng) công ty đang có.
Chưa kể, dòng tiền của Tổng Công ty Thăng Long - CTCP cũng đang gặp khó, khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh công ty đang âm gần 235 tỷ đồng.
Liên quan đến các vấn đề lùm xùm của giả mạo hồ sơ thầu, Tổng công ty Thăng Long cho biết đối với nhân sự Vũ Văn Quyết, Tổng công ty đã tiếp nhận và tuyển dụng nhân sự theo đúng quy định pháp luật về tuyển dụng và sử dụng lao động dựa trên các thông tin chuyên môn, kinh nghiệm mà nhân sự đã cung cấp cho Tổng công ty Thăng Long thông qua hồ sơ nhân sự được chứng thực về các văn bằng, chứng chỉ hợp lệ bởi các tổ chức có thẩm quyền thực hiện.
Đối với hồ sơ thiết bị, khi tham gia dự thầu gói thầu này Tổng công ty Thăng Long đã ký Hợp đồng thuê thiết bị với Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phương. Trong điều khoản Hợp đồng có nêu rõ Bên cho thuê có trách nhiệm cung cấp các giấy tờ hợp pháp của thiết bị và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hồ sơ này.
Do không phải cơ quan chuyên môn có năng lực đánh giá tính hợp pháp của các tài liệu, Tổng công ty Thăng Long hoàn toàn tin tưởng vào các tài liệu do tổ chức có thẩm quyền công chứng, chứng thực, dẫn đến việc sử dụng các tài liệu này trong hồ sơ dự thầu.
Dù vậy, sau khi nhận được thông tin từ Ban QLDA, Tổng công ty Thăng Long hoàn toàn ý thức được mức độ nghiêm trọng cũng như trách nhiệm của mình trong sự việc này. Tổng công ty Thăng Long khẳng định không có bất kỳ mục đích không trung thực nào trong quá trình lập Hồ sơ dự thầu mà Tổng công ty Thăng Long đã nộp. Việc Ban QLDA hủy gói thầu cũng đã giúp sự việc không để lại hậu quả nghiêm trọng hơn.
Tổng công ty Thăng Long coi đây là bài học trong công tác quản lý và nghiêm túc rút kinh nghiêm sâu sắc, cải tiến quy trình để sự việc sẽ không tái diễn.