Tổng cục Đường bộ Việt Nam lý giải việc 26 dự án BOT bị giảm doanh thu
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về nguyên nhân chủ yếu dẫn tới doanh thu giảm của 26 trạm BOT.
Liên quan đến doanh thu các dự án BOT năm 2018 mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải; trong đó, đáng chú ý có 26/57 dự án đang khai thác vận hành có doanh thu giảm so với hợp đồng, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, đại diện Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới doanh thu giảm của 26 trạm BOT là do lưu lượng xe thực tế thấp hơn so với dự kiến trong hợp đồng.
Đồng thời, nhiều dự án đến kỳ được tăng giá vé theo hợp đồng nhưng chưa được tăng phí.
“Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác như mức độ tăng trưởng doanh thu thực tế thấp hơn so với mức tăng trưởng doanh thu dự kiến trong hợp đồng.
Đặc biệt, nhiều dự án bị giảm mạnh từ 30-40% doanh thu là do phân lưu lưu lượng xe sang các tuyến đường song hành”, đại diện Vụ Tài chính cho hay.
Cũng theo đại diện Vụ Tài chính, cùng với các nguyên nhân trên thì việc giảm giá vé chung và giảm giá vé khu vực lân cận quanh trạm BOT theo Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng dẫn đến doanh thu của các trạm BOT bị giảm.
Cụ thể, theo dẫn chứng của đại diện Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), trạm BOT km943+975 và trạm BOT Tam Kỳ trên Quốc lộ 1 bị giảm doanh số 23% so với hợp đồng khi dự án bị phân lưu lưu lượng xe từ khi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào hoạt động.
Đối với trạm thu phí cầu Hạc Trì trên Quốc lộ 32 (tỉnh Phú Thọ), doanh thu bị giảm 52% khi lưu lượng xe bị giảm khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai mở thêm đường lối (IC7) từ Tp. Việt Trì vào cao tốc này.
Mặt khác, năm 2018, cầu Văn Lang nối Ba Vì – Việt Trì được thông xe đã dẫn đến phân lưu lượng xe của trạm BOT này. Hay như trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài bị giảm doanh thu 48% do lưu lượng xe bị phân lưu khi cầu Nhật Tân được đưa vào hoạt động.
Một trạm BOT khác cũng bị phân lưu lượng xe khi có một dự án khác được đưa vào vận hành chạy song song với tuyến đường BOT.
Đó là, trạm BOT Km 1661+600, Quốc lộ 1, Bình Thuận bị giảm mạnh doanh thu khi tuyến đường ven biển từ Tp. Phan Thiết sang thị trấn Phan Rí đi vào hoạt động.
Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định (trạm thu phí km 1064 +730) cũng bị giảm doanh thu tới 51% khi lưu lượng xe qua tuyến bị giảm, cộng thêm dự án phải thực hiện giảm phí cho khu vực lân cận trạm từ tháng 1/2018.
Đại diện Vụ Tài chính dẫn chứng thêm, trạm BOT Nam Cầu Giẽ trên Quốc lộ 1 cũng bị giảm doanh số 28% do lưu lượng bị phân lưu sang cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình.
Dự án Thái Nguyên- Chợ Mới, doanh thu chỉ đạt 17% so với hợp đồng do nhà đầu tư chỉ được phép thu một trạm thu phí tại km 72+930, còn trạm thu phí trên Quốc lộ 3 cũ chưa được thu phí.
Tương tự, dự án trên Quốc lộ 6 bị giảm doanh số 41% do nhà đầu tư chưa được thu phí trạm thu phí Hòa Lạc – Hòa Bình.
Ngoài ra, dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bị giảm doanh thu 17% trong năm 2018 khi nhà đầu tư phải giảm giá vé cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với dự án BOT hầm Đèo Cả, doanh thu chưa đạt theo kỳ vọng là do lưu lượng xe chưa đạt theo yêu cầu, xe đi trên đường đèo nhiều hơn.
Mặc khác, dự án cũng phải thực hiện giảm giá cho khu vực lân cận trạm thu phí từ tháng 1/2018.
“Đối với dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang không đạt được doanh thu theo kỳ vọng do lưu lượng trên tuyến giảm, đồng thời tỷ lệ chủ phương tiện mua vé tháng, vé quý cũng nhiều hơn vì khi mua vé tháng, quý sẽ rẻ hơn mua vé ngày”, đại diện Vụ Tài chính thông tin.
Đại diện Vụ Tài chính nhấn mạnh, từ năm 2018, để hỗ trợ các doanh nghiệp theo Nghị Quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ một loạt các dự án BOT nằm trong lộ trình tăng phí và lệ phí theo hợp đồng chưa được tăng đã làm cho doanh thu của các dự án BOT giảm từ 3-5% tùy từng dự án.
Đánh giá về tác động của việc giảm giá này đối với nhà đầu tư, đại diện Vụ Tài chính cho rằng, việc lưu lượng xe giảm là việc bình thường. Đây cũng là vấn đề kinh doanh mà các doanh nghiệp phải chấp nhận và lường trước.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ tháng 7/2016 đến hết tháng 3/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra, giám sát 10 ngày liên tục đối với 54 trạm thu phí trên toàn quốc.
Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện theo dõi doanh thu và lưu lượng xe qua trạm thu phí và tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông Vận tải định kỳ hàng quý, hàng năm.
Hàng tháng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều công khai doanh thu của tất cả các trạm BOT toàn quốc trên công thông tin của Tổng cục.
Đặc biệt, Tổng cục đang triển khai dự án giám sát trực tuyến các trạm BOT, qua đó sẽ góp phần minh bạch việc thu phí hơn.
Nhận xét về việc nhiều trạm BOT giảm doanh thu, đại Đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP – Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn tới các trạm BOT bị giảm doanh thu là do bị phân lưu lưu lượng xe.
Do đó, đề nghị các địa phương nơi có trạm BOT bị ảnh hưởng bởi vấn đề này cần thực hiện các giải pháp để hạn chế các xe né trạm đi vào các đường tỉnh lộ gây mất an toàn giao thông.
“Giải pháp lâu dài là Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ việc xem xét một số dự án cụ thể được tăng phí theo lộ trình.
Đặc biệt là những dự án nếu thực hiện tăng phí không tác động nhiều đến hoạt động vận tải của địa phương.
Hiện tại, để có giải pháp tổng thể, Bộ Giao thông Vận tải căn cứ trên báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và báo cáo của các nhà đầu tư để có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng thể về vấn đề này.
Theo đó, từng nguyên nhân sẽ có giải pháp cụ thể để xử lý”, đại diện Vụ PPP cho hay.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện một trong các nhà đầu tư có dự án bị giảm doanh thu, ông Vũ Minh Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư dự án Hầm Đèo Cả, Hầm Cù Mông, Hầm Hải Vân giai đoạn 2… ) cho hay, trên thực tế lưu lượng xe bị giảm và phân lưu đã xảy ra từ lâu, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến phương án tài chính của chủ đầu tư.
“Trước tình hình này, nhà đầu tư đã phải đưa ra các giải pháp xử lý, ứng phó kịp thời. Cụ thể, với nhà đầu tư đã thực hiện các giải pháp như chủ động tiết giảm chi phí đầu tư, giảm cả quy mô đầu tư một số hạng mục không quan trọng như đường công vụ, giảm thiểu các trang bị vận hành khi linh hoạt điều phối giữa các dự án với nhau.
Đơn vị tiếp tục bù đắp một phần vốn chủ sở hữu để duy trì hoạt động cơ bản của dự án; đồng thời với đó là việc soát xét lại các thông số đầu vào để điều chỉnh phương án tài chính; đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng cùng tham gia giải quyết để đảm bảo phương án tài chính của dự án”, ông Vũ Minh Hoàng chia sẻ.
Đại diện nhà đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 qua tỉnh Hà Nam (thu phí hoàn vốn tại trạm BOT Nam Cầu Giẽ ) cho biết, năm 2018, dự án bị giảm doanh thu 28% so với phương án tài chính, để khắc phục tình trạng này, ngoài tiết giảm chi phí thì doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh tăng vốn chủ sở hữu của dự án, qua đó giảm được số tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý 62 dự án BOT trên toàn quốc; trong đó có 57 dự án đang khai thác, vận hành; 5 dự án vừa mới khai thác từ đầu năm 2019 nên chưa đánh giá doanh thu./.