Tổng cục Hải quan chỉ đạo 'nóng' sau vụ cán bộ bị tố gây nhũng nhiễu
Tổng cục Hải quan vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bằng các biện pháp nghiệp vụ, không kiểm tra tràn lan với hàng quá cảnh, chỉ kiểm tra thực tế trên cơ sở đánh giá rủi ro, xác định hàng quá cảnh có dấu hiệu vi phạm cụ thể. Trường hợp phát hiện công chức, lãnh đạo đơn vị thực hiện không đúng sẽ xem xét xử lý trách nhiệm.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, đơn vị này nhận được phản ánh vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa quá cảnh về việc một số chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh quá mức cần thiết làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, tăng chi phí lưu kho bãi, gây bức xúc cho doanh nghiệp, đặc biệt là hàng quá cảnh đi Campuchia.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thực hiện theo đúng quy định tại các Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Theo đó, hàng hóa quá cảnh phải được giám sát bằng seal định vị ̣trong quá trình vận chuyển, chịu sự giám sát hải quan từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, đi đúng tuyến đường, thời gian quy định. Chi cục hải quan cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất phối hợp tổ chức giám sát chặt chẽ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, lưu giữ trên lãnh thổ Việt Nam.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bằng các biện pháp nghiệp vụ, không kiểm tra tràn lan, chỉ kiểm tra thực tế trên cơ sở đánh giá rủi ro, xác định hàng quá cảnh có dấu hiệu vi phạm cụ thể.
Khi làm thủ tục xuất quá cảnh tại cửa khẩu xuất, chi cục hải quan kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu phát hiện phương tiện chứa hàng, niêm phong hải quan có dấu hiệu không đảm bảo nguyên trạng, phương tiện vận chuyển đi không đúng lộ trình, thời gian, tắt tín hiệu định vị thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa.
Trong quá trình kiểm tra, giám sát kiểm soát hải quan nếu phát hiện hàng hóa quá cảnh có vi phạm pháp luật. Trường hợp phát hiện hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam, các đơn vị xử lý vi phạm, tịch thu hàng hóa quá cảnh theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ hoặc có thông tin người nhận hàng có địa chỉ tại Việt Nam thì tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo kết quả điều tra, không để bỏ lọt hành vi vi phạm
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo, trường hợp phát hiện công chức, lãnh đạo đơn vị thực hiện không đúng sẽ xem xét xử lý trách nhiệm.
Trước đó, 4 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng quá cảnh tuyến Việt Nam – Campuchia (Công ty TNHH MTV Vận tải biển Gemadept, Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn cầu, Công ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng, Công ty Cổ phần Tân Cảng Cypress) phản ánh đến Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, các hiệp hội vận tải thủy nội địa…. về việc công chức hải quan thuộc Chi cục Hải quan khu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM) gây nhũng nhiễu, phiền hà khi thực hiện kiểm tra đối với các lô hàng quá cảnh.
Theo các doanh nghiệp, hiện việc kiểm tra thực tế một container trong một tờ khai đối với lô hàng quá cảnh thường bị công chức Chi cục Hải quan Khu vực 1 giữ lại toàn bộ các container trong cùng tờ khai đó, dẫn đến mỗi container bị kiểm hóa kéo theo từ 30-50 container khác cùng vận đơn bị giữ lại đến khi hoàn thành việc kiểm tra khiến doanh nghiệp mất thời gian, tăng chi phí.
Ngay sau đó, Cục Hải quan TPHCM đã tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp và báo chí để làm rõ sự việc. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, theo Cục Hải quan TPHCM chỉ có sự tham dự của 1 đại diện của Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn cầu. Ngược lại, 4 doanh nghiệp khẳng định đại diện trên không phải là người của doanh nghiệp và đề nghị chỉ khi nào có kết quả xác minh nội dung phản ánh của cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp mới đối thoại.