Tổng cục Thống kê: Nông sản Việt Nam đã 'lột xác' để khẳng định mình trên thị trường thế giới

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo động thái và thực trạng kinh tế - xã hội trong 5 năm vừa qua (2016 – 2020). Đáng lưu ý, các số liệu đều cho thấy trong 5 năm qua, nông sản Việt Nam đã vươn lên trở thành mặt hàng chủ lực…

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 năm qua nông sản Việt Nam đã “lột xác” để khẳng định mình trên thị trường thế giới.

Theo Tổng Cục Thống kê (GSO), giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ.

Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP đã giảm từ 16,32% năm 2016 xuống 15,34% năm 2017, năm 2019 còn 13,96% và ước tính năm 2020 là 14,85%. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ lại có xu hướng tăng và ước tính năm 2020 đạt 41,63%.

Đặc biệt, năm 2020, trước bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng và là bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an sinh, an dân trong đại dịch.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế những năm gần đây không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành. Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây có giá trị thấp sang loại cây có giá trị cao hoặc nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả rõ rệt.

Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Một số nông sản có sản lượng lớn, chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững trong hội nhập quốc tế.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường tiêu thụ như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ, lâm sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ngày càng tăng.

Lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần qua các năm. Bình quân giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,24%/năm, chiếm tỷ trọng 16,7% GDP năm 2020; ngành khai khoáng giảm 3,75%/năm, chiếm 5,55% GDP.

Điều này cho thấy quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp đã theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nhất là các ngành công nghiệp chế biến sâu, đồng thời giảm tỷ trọng ngành khai khoáng để phát triển bền vững gắn kết với bảo vệ môi trường, Tổng cục Thống kê nhận định.

Số liệu của GSO cũng chỉ rõ, khu vực dịch vụ được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có năng lực cạnh tranh.

Trong đó, một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao như dịch vụ y tế, bảo hiểm đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 năm qua liên tục tăng cao.

Tính chung 5 năm 2016- 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt 21.887 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 9,4%. Trong đó, du lịch lữ hành và dịch vụ khác có mức tăng trưởng cao nhất đạt 2.663,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% và tăng 5,7%.

Hoạt động xuất nhập khẩu đạt nhiều kết quả quan trọng, năm 2020 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,3%, tương ứng tăng 27,4 tỷ USD về số tuyệt đối so với năm 2019.

Tính chung giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 11,8%/năm; nhập khẩu hàng hóa tăng bình quân 9,6%/năm. Cơ cấu lao động có sự dịch chuyển theo hướng tích cực.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng số lao động cả nước giảm mạnh. Còn lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng nhanh và đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 25%-30%. Riêng khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất từ 33,3% năm 2016 lên 36,1% trong năm 2020.

Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020 được bảo đảm, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển. Ước tính tổng thu ngân sách 5 năm 2016-2020 đạt 6.915 nghìn tỷ đồng, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015.

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP có xu hướng giảm trong giai đoạn 2016-2020, tình hình cân đối ngân sách Trung ương và địa phương được đảm bảo, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát trong giới hạn. Độ mở của nền kinh tế tăng nhanh, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP năm 2016 đạt 184,7%; năm 2020 ước đạt 209,3%.

"Điều này chứng tỏ Việt Nam đã tăng cường hội nhập, khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, tham gia sâu, rộng vào thị trường thế giới", Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Khánh Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-cuc-thong-ke-nong-san-viet-nam-da-lot-xac-de-khang-dinh-minh-tren-thi-truong-the-gioi-post140443.html