Tổng cục Thuế vinh danh 138 doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu

Ngày 20/10, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị 'Biểu dương người nộp thuế tiêu biểu trong việc chấp hành pháp luật thuế giai đoạn 2020-2022'. Tham dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, đại diện các bộ, ban, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, cùng 138 doanh nghiệp được biểu dương có những đóng góp thiết thực, hiệu quả tích cực của người nộp thuế cho ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2022, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết có 3 tiêu chí để xét biểu dương người nộp thuế (NNT) tiêu biểu.

Thứ nhất là chấp hành tốt pháp luật thuế. Đây là những đơn vị có ý thức chấp hành pháp luật thuế tốt trong giai đoạn 2020-2022 thể hiện qua việc khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN); không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với hành vi trốn thuế trong giai đoạn 2020-2022; không bị các cơ quan pháp luật xử lý đối với hành vi mua bán hóa đơn trái phép đến hết năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TN

Thứ hai, về đóng góp cho NSNN, các doanh nghiệp (DN) được biểu dương là những đơn vị có đóng góp lớn vào NSNN theo lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, theo từng địa phương trong giai đoạn 2020-2022; đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 người nộp thuế được biểu dương.

Thứ ba, đối với xã hội, đó là các đơn vị triển khai tốt các chương trình chuyển đổi số.

Qua rà soát, ngành Thuế đã lựa chọn được 138 NNT đáp ứng đủ 3 tiêu chí trên, mà không xét đến các tiêu chí khác theo quy định thi đua khen thưởng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chúc mừng 138 DN tiêu biểu đã được biểu dương ngày hôm nay về những đóng góp tích cực cho NSNN, trong giai đoạn 2020 2022; đặc biệt là sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành của cộng đồng DN, doanh nhân, với nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả, kịp thời về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Giai đoạn 2020-2022 là giai đoạn mà tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp. Kinh tế trong nước chịu tác động vô cùng lớn của đại dịch Covid-19. Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt khó, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách tài khóa, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN; qua đó đã thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân; trong đó thu thuế nội địa luôn đạt và vượt dự toán, thu năm sau cao hơn năm trước, quy mô thu NSNN không ngừng gia tăng.

Bộ trưởng cho rằng, kết quả này có sự đóng góp công sức to lớn và hết sức quan trọng của cộng đồng các DN, doanh nhân, đơn vị trực tiếp sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị kinh tế và nguồn thu cho NSNN. Trong đó, nhiều DN đã có đóng góp số thu lớn cho NSNN, đặc biệt là 138 DN được biểu dương ngày hôm nay.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong giai đoạn 2020-2022, Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế phí, tiền thuê đất và các khoản thu NSNN khác để hỗ trợ cho DN và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, có nguồn lực để duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Nếu như năm 2020, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 130 nghìn tỷ đồng, năm 2021 là khoảng 132 nghìn tỷ đồng, thì năm 2022, tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2023, với tinh thần đồng hành cùng DN, Nhà nước tiếp tục triển khai gói chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và DN, với quy mô khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng. Trong đó: số tiền được gia hạn gần 125 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Đây là sẽ là nguồn lực quan trọng giúp DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

"Trong thời gian tới, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngày càng tốt hơn và mong muốn cộng đồng DN nói chung. 138 DN được tôn vinh hôm nay tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, chấp hành nghiêm chính sách pháp luật thuế và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho NSNN, góp phần vào việc xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, hiện đại" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Song song với việc ban hành các chính sách tài khóa, với mục tiêu lấy NNT làm trung tâm phục vụ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế để hỗ trợ tối đa cho người dân, DN. Trong đó, có thể kể đến như: năm 2020, ngành Thuế đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ DN, người dân thông qua hệ thống quản lý thuế Etax. Năm 2021, ngành Thuế kích hoạt triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi vượt tiến độ hơn 2 tháng theo quy định.

Việc triển khai thành công hóa đơn điện tử đã góp phần giúp chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN và phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng. Ngành Thuế đã đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội như: tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.

Nỗ lực chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, ngành Thuế hướng tới tiếp tục cải cách toàn diện, điện tử hóa, số hóa theo mục tiêu lấy sự phục vụ người dân và DN ở mức hiệu quả cao nhất.

Trong các trụ cột chiến lược trong đó có một trụ cột là mối quan hệ giữa cơ quan thuế và NNT, ngành Thuế xác định một số nguyên tắc cơ bản.

Thứ nhất, nguyên tắc lấy NNT làm trung tâm, tức là chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Đây là quá trình chuyển đổi đòi hỏi ý thức của mỗi cán bộ, công chức ngành thuế phải kịp thời phục vụ hiệu quả, được sự đánh giá cao của NNT.

Các doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu được tuyên dương tại hội nghị. Ảnh: TN

Các doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu được tuyên dương tại hội nghị. Ảnh: TN

Thứ hai, hướng tới mục tiêu cải cách hiện đại hóa thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thân thiện, hiệu quả, hiện đại. Điều này hướng tới chuẩn mực thuế quốc tế, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý cũng như hiệu quả phục vụ của cơ quan thuế.

Thứ ba, xây dựng các chương trình cùng với NNT nâng cao tính tự nguyện tuân thủ của NNT, qua đó giảm chi phí quản lý hành chính và NNT giảm được sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thuế.

"Với cam kết tiếp tục mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, người đứng đầu ngành Thuế Việt Nam đã khẳng định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thuế đã và sẽ tiếp tục tiếp bước, phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, vượt khó của các thế hệ đi trước để cùng đồng hành chia sẻ cùng người nộp thuế - những đối tác của sự phát triển để hướng đến tương lai phồn vinh của đất nước" - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chia sẻ, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý thuế hiện đại để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như tạo sự bình đẳng trong việc chấp hành pháp luật về thuế.

Đặc biệt, để thực sự trở thành "Đối tác tin cậy với người nộp thuế", Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định, ngành Thuế Việt Nam luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thu thuế phải thu được cả lòng dân” và tập trung chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện quán triệt, tuyên truyền khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo đến từng công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, từ đó tạo động lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Đồng thời, toàn ngành tổ chức triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Chương trình hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đã được Bộ Tài chính phê duyệt./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tong-cuc-thue-vinh-danh-138-doanh-nghiep-nop-thue-tieu-bieu-137949.html