Tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo: Cơ sở thực hiện chính sách an sinh xã hội giai đoạn mới

Tỉnh ta sẽ bắt tay vào cuộc tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập của hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2021 từ ngày 27/9-27/10.

Xưởng may vệ tinh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.

Xưởng may vệ tinh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.

Đến nay, công tác chuẩn bị đang dần hoàn tất. Chuẩn nghèo mới không chỉ tác động đến người nghèo mà sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho từng địa phương, khu vực trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Quyết định 1614/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tiêu chí trong tiếp cận đo lường nghèo đa chiều bao gồm: Tiêu chí thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt các dịch vụ cơ bản. Trong giai đoạn 2021-2025, theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn nghèo về thu nhập (còn gọi là chuẩn nghèo chính sách) đối với khu vực nông thôn được nâng lên là 1,5 triệu đồng/người/tháng và khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được xác định 6 chiều, mỗi chiều có 2 chỉ số, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt bao gồm: Việc làm (tình trạng việc làm, người phụ thuộc); giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em); y tế (dinh dưỡng, bảo hiểm y tế); nhà ở (chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người); nước sạch và vệ sinh (nguồn nước sinh hoạt, loại hố xí/nhà tiêu); tiếp cận thông tin (sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin).

Ngưỡng thiếu hụt đa chiều là mức độ thiếu hụt mà nếu hộ gia đình thiếu một trong các chỉ số này thì bị coi là thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để chuẩn bị cho cuộc tổng rà soát hộ nghèo năm 2021, đến thời điểm hiện tại, Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh đã xây dựng phương án triển khai thực hiện rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập của hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công tác tập huấn nghiệp vụ cho Ban Chỉ đạo rà soát, cán bộ lao động, thương binh và xã hội các cấp và các rà soát viên cũng đã được tỉnh tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ ngày 15/9/2021; đồng thời, các địa phương cũng đã khẩn trương tổ chức tập huấn thực hiện đối với cấp mình phụ trách.

Theo đó, phạm vi điều tra sẽ được tiến hành trên tất cả 143/143 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, với đối tượng là toàn bộ số hộ gia đình đang sinh sống trên địa bàn từ 6 tháng trở lên (tính đến thời điểm tổ chức điều tra, đối với những hộ gia đình đã đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn). Phương pháp điều tra sẽ kết hợp các phương pháp như: đăng ký của người dân, nhận dạng và phân loại nhanh, ước lượng thu nhập, phương pháp chuyên gia, phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân.

Thời điểm điều tra bắt đầu từ ngày 27/9 đến ngày 27/10. Một điểm lưu ý là tổng rà soát cuối năm 2021 thực hiện rà soát theo cả chuẩn nghèo cũ và chuẩn nghèo mới. Kết quả điều tra theo chuẩn nghèo cũ dùng để đánh giá kế hoạch, chỉ tiêu các cấp đã xây dựng đầu năm và toàn bộ kết quả điều tra theo chuẩn nghèo mới được dùng làm cơ sở thực hiện chính sách an sinh xã hội cho năm 2022 và cả giai đoạn 2022-2025.

Nhìn lại, với phương pháp tiếp cận đo lường nghèo theo hướng đa chiều đã được áp dụng trong giai đoạn (2016-2020) vừa qua, đã tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác hơn, đáp ứng đa dạng hơn các nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng.

Theo đó, trong nhiệm kỳ qua (2015-2020), trên cơ sở nguồn lực, cơ chế, chính sách giảm nghèo chung của Trung ương ban hành, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ động tranh thủ lồng ghép với ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác để ban hành các chính sách, đề án đặc thù phù hợp với địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.

Điển hình như, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực, chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc địa bàn 55 xã đặc thù của tỉnh đã được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi đi xuất khẩu lao động, du học nghề, từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 106.227 người (bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 21.245 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở lần thứ VIII và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI), trong đó có 5.908 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 140/QĐ-TU và Quyết định số 141/QĐ-TU phân công 55 cơ quan, đơn vị phụ trách và 56 doanh nghiệp kết nghĩa với 55 xã, phường, thị trấn có tính chất đặc thù. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp kết nghĩa đã có nhiều giải pháp, việc làm sáng tạo, thiết thực giúp đỡ, hỗ trợ các xã đặc thù với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng.

Nhiều xã đặc thù chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 140 đạt được những kết quả khá rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tiếp thu nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng được một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Đến nay đã có 23/56 xã đặc thù đạt chuẩn NTM, góp phần giúp 2 huyện đạt chuẩn NTM.

Một chính sách nổi bật khác phải kể đến, đó là Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án số 12/ĐA-UBND về xuất khẩu lao động, nhằm hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc địa bàn 55 xã có tính chất đặc thù của tỉnh để giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu phấn đấu mỗi năm hỗ trợ đưa 1.000 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND về việc quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, theo đó hỗ trợ đối tượng về nhóm ngành, nghề do tỉnh đặt hàng đào tạo, với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người/năm.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-BCSĐ về đổi mới tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người có công và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến hết năm 2019, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở.

Đến hết năm 2020, phấn đấu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Ngoài ra, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách giảm nghèo như: Hàng năm, trích ngân sách tỉnh bổ sung vào nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay; chính sách hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt BHYT) trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ mua BHYT cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên chưa được cấp thẻ BHYT...

Với việc thực hiện đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ta giảm đều qua các năm. Cụ thể, từ 7,46% (năm 2015) đã giảm xuống còn 5,77% (năm 2016), 4,53% (2017), 3,63% (2018), 2,57% vào cuối năm 2019, 1,87% cuối năm 2020 và phấn đấu giảm xuống còn 1,5% vào cuối năm 2021 này theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020.

Đối với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, dự kiến số hộ nghèo và cận nghèo tăng lên gấp 2 hoặc 3 lần do mức chuẩn nghèo đã tăng hơn 2 lần so với giai đoạn trước.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tong-dieu-tra-ho-ngheo-can-ngheo-co-so-thuc-hien-chinh-sach/d20210920081345966.htm