Tổng điều tra kinh tế, dân số tiết kiệm một nửa thời gian, chi phí so với trước
Nhờ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã rút ngắn và tiết kiệm một nửa thời gian xử lý và kinh phí so với các kỳ tổng điều tra trước.
Sáng 17/3, tại trụ sở Tổng cục Thống kê, Hội nghị Thống kê toàn quốc đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự hội nghị.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 tiết kiệm một nửa thời gian và kinh phí
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những năm qua, Thống kê Việt Nam với nòng cốt là Tổng cục Thống kê đã không ngừng nỗ lực, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp, tổ chức triển khai công tác thống kê. Nhờ đó, công tác thống kê tập trung cũng như thống kê bộ, ngành và địa phương đã có những chuyển biến tích cực: hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê được bổ sung, hoàn thiện; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, tổng hợp, phân tích và phổ biến thông tin thống kê được chú trọng.
Với quyết tâm xây dựng một bộ máy thống kê vững mạnh nhằm cung cấp thông tin hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, phục vụ người dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị thống kê toàn quốc lần này nhằm mục đích tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê tập trung, thống kê bộ, ngành và địa phương thông qua việc đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện Luật Thống kê và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị
Trình bày tóm tắt báo cáo công tác thống kê Nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết thời gian qua, hệ thống các văn bản pháp luật về thống kê được sửa đổi kịp thời, sát với điều kiện thực tế và được triển khai có hiệu quả. Mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê được kiện toàn từ trung ương tới địa phương; tổ chức thống kê tại bộ, ngành, địa phương được hình thành và dần củng cố. Hoạt động thu thập thông tin thống kê được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu. Đặc biệt, trong tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã rút ngắn và tiết kiệm một nửa thời gian xử lý và kinh phí so với các kỳ tổng điều tra trước.
Thống kê nhà nước đã bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; các báo cáo chuyên đề; các kịch bản tăng trưởng kinh tế; kịch bản điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thống kê Việt Nam cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế. Đó là, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về thống kê đã tương đối hoàn thiện nhưng việc thực hiện chưa nghiêm dẫn tới hiệu lực, hiệu quả trong công tác thống kê chưa được như mong muốn.
Tổ chức, bộ máy chưa đáp ứng việc phục vụ điều hành của cấp huyện, đặc biệt ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp và quy mô dân số mỗi quận/huyện xấp xỉ quy mô 1 tỉnh.
Nhân lực làm công tác thống kê còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn; công tác chuyên môn thống kê vẫn còn một số bất cập gây khó khăn trong công tác tổng hợp, tính toán các chỉ tiêu thống kê; cơ sở hạ tầng và kinh phí cho hoạt động thống kê còn chưa được đầu tư tương ứng với nhu cầu ngày càng tăng về dữ liệu và sản phẩm thống kê; chưa có các chỉ tiêu thống kê phù hợp cho các thành phố lớn theo mô hình “thành phố trong thành phố”…
Nâng cao trình độ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ thống kê
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận về định hướng và thực trạng công tác thống kê ở nhiều bộ, ngành, địa phương; công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê; khuyến nghị từ kinh nghiệm quốc tế để phát triển hơn nữa hệ thống thống kê Việt Nam…
Các đại biểu tham dự Hội nghị Thống kê toàn quốc
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, công tác thống kê có vai trò hết sức quan trọng trong các hoạt động quản lý nhà nước ở các bộ ngành, đặc biệt là ở ngành tài nguyên môi trường, cơ quan được giao quản lý các loại tài nguyên đất nước. Do là lĩnh vực có những đặc thù sâu, hiện công tác thống kê vẫn do ngành đảm nhiệm 100% mà chưa phân cấp cho địa phương.
Tán thành các đề xuất của Tổng cục Thống kê, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng thời gian tới, công tác thống kê phải được quan tâm hơn nữa, cán bộ làm công tác thống kê phải có chế độ đãi ngộ phù hợp, xứng đáng hơn, được đào tạo tốt hơn để đảm nhiệm tốt nhiệm vụ quan trọng được giao.
Với mục tiêu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới được đề ra trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê đã đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp. Trong đó, có việc sớm ban hành quyết định sửa đổi cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê tại Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng không thành lập chi cục thống kê khu vực để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thống kê, đáp ứng yêu cầu phục vụ thông tin thống kê các cấp từ trung ương đến địa phương.
Về chất lượng nhân lực, đề xuất Chính phủ xem xét nâng cấp 2 Trường Cao đẳng Thống kê để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho hơn 20 ngàn nhân lực làm công tác thống kê theo Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, cơ quan thống kê cũng đề xuất Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo cho hoạt động thống kê nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, kết nối dữ liệu của các bộ, ban, ngành và địa phương…/.