Tổng giám đốc Cơ quan phát triển tài chính quốc tế Mỹ thăm Việt Nam
Phái đoàn của chính phủ Mỹ do Tổng giám đốc Adam Boehler của Cơ quan phát triển tài chính quốc tế Mỹ dẫn đầu chuyến thăm tới Indonesia, Việt Nam và Myanmar để tìm hiểu các cơ hội đầu tư.
Thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết từ ngày 23-10 đến ngày 27-10, một phái đoàn của chính phủ Mỹ do Tổng giám đốc Adam Boehler của Cơ quan phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) dẫn đầu đến thăm Indonesia, Việt Nam và Myanmar để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Cùng đi với ông Boehler có Giám đốc kiêm Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ Kimberly Reed và các quan chức chính phủ cấp cao khác thuộc Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ.
Trong thời gian ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Boehler sẽ gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức chính phủ cấp cao để tìm hiểu các cơ hội đầu tư, cũng như thảo luận về các cách thức để tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển, tăng trưởng kinh tế và ổn định khu vực.
DFC khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực đầu tư ưu tiên của mình. Cơ quan này cam kết hợp tác với các đối tác và đồng minh trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đặt ra các chuẩn mực phát triển cao và thúc đẩy mô hình trao quyền cho các quốc gia bằng cách xây dựng nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng và an ninh lâu dài.
Trước đó, Tổng giám đốc DFC Adam Boehler đã có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1-2020. Trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 8-1, ông Adam Boehler nêu rõ, Tổng thống Donald Trump đặc biệt đánh giá cao và coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
DFC có trọng trách thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ, theo đó, DFC ưu tiên hợp tác với Việt Nam. Hiện DFC có số vốn 60 tỉ USD, có thể đầu tư với nhiều hình thức khác nhau, không chỉ bó hẹp trong phạm vi dành cho các doanh nghiệp Mỹ mà có thể dành cho cả các doanh nghiệp Việt Nam.
Với mong muốn Việt Nam phát triển thịnh vượng, hùng cường, ông Adam Boehler khẳng định cam kết đầu tư vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực năng lượng, y tế, hạ tầng. Năm nay, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, do đó DFC mong muốn hợp tác với Việt Nam để đầu tư vào hạ tầng kết nối 5 nước khu vực sông Mê Kông.
Qua các cuộc gặp gỡ các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Việt Nam, ông đánh giá cao việc Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý về hình thức đầu tư PPP, qua đó, tạo thuận lợi, thúc đẩy đầu tư tư nhân.
DFC là ngân hàng phát triển của Mỹ. DFC hợp tác với khu vực tư nhân để tài trợ các giải pháp cho những thách thức quan trọng nhất mà thế giới đang phát triển đang phải đối mặt. DFC đầu tư vào nhiều lĩnh vực bao gồm năng lượng, y tế, cơ sở hạ tầng chủ chốt và công nghệ. DFC cũng cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và nữ doanh nhân để tạo việc làm tại các thị trường mới nổi. Các khoản đầu tư của DFC tuân thủ các chuẩn mực cao và tôn trọng môi trường, quyền con người và quyền của người lao động.