Tổng giám đốc FAO ấn tượng với sản phẩm OCOP Việt Nam

Ông Khuất Đông Ngọc - Tổng giám đốc FAO - nhận định, các sản phẩm OCOP Việt Nam không chỉ có bao bì bắt mắt mà còn truyền tải được bản sắc văn hóa địa phương.

Việt Nam đã có khoảng 15.500 sản phẩm OCOP

Sáng 6/2, Đoàn đại biểu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) do ông Khuất Đông Ngọc - Tổng giám đốc FAO - dẫn đầu đến thăm quan, khảo sát các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp sinh thái, hữu cơ của ngành nông nghiệp Việt Nam tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agritrade) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đoàn đại biểu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) do ông Khuất Đông Ngọc - Tổng giám đốc FAO - dẫn đầu tham quan các gian hàng OCOP tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade).

Đoàn đại biểu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) do ông Khuất Đông Ngọc - Tổng giám đốc FAO - dẫn đầu tham quan các gian hàng OCOP tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade).

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - đã giới thiệu vắn tắt về Agritrade với hơn 20 năm kinh nghiệm về xúc tiến quảng bá nông sản Việt Nam đến thị trường các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức rất nhiều các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu giữa những nhà sản xuất với các đơn vị phân phối trong nước. Đồng thời, Trung tâm cũng đẩy mạnh hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, chủ thể OCOP trong việc phát triển, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội.

“Năm 2018, Chính phủ Việt Nam mới triển khai chương trình OCOP. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 15.500 sản phẩm OCOP, do đó, chúng tôi mong muốn quảng bá sản phẩm OCOP của Việt Nam đến thế giới như là hình ảnh đại sứ của văn hóa vùng miền Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, trong thời gian tới, cùng với xúc tiến để thúc đẩy mô hình làng thương mại điện tử tại Việt Nam trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin giống như mô hình thành công của "làng Taobao" tại Trung Quốc, Agritrade thúc đẩy hợp tác quốc tế trong hợp tác thương mại nông sản, đồng thời, dự kiến xây dựng không gian OCOP quốc gia tại 26 Phạm Văn Đồng nhằm quảng bá sản phẩm OCOP đến rộng khắp người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Sản phẩm OCOP truyền tải được bản sắc văn hóa địa phương

Sau 6 năm quay trở lại Việt Nam, ông Khuất Đông Ngọc - Tổng giám đốc FAO - chúc mừng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được những bước tiến quan trọng, đồng thời, đánh giá cao chiến lược chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển hệ sinh thái ngành hàng chủ lực của Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - chia sẻ tại buổi làm việc với đoàn công tác của FAO.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - chia sẻ tại buổi làm việc với đoàn công tác của FAO.

Tại buổi tham quan, ông Khuất Đông Ngọc bày tỏ ấn tượng trước các sản phẩm OCOP không chỉ có thiết kế bao bì bắt mắt mà còn truyền tải được bản sắc văn hóa địa phương.

Đánh giá về ngành hàng lúa gạo, ông Khuất Đông Ngọc nhận định, gạo Việt Nam ngày càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế nhờ chất lượng ổn định, hương thơm và độ dẻo đặc trưng. Theo Tổng giám đốc FAO, gạo Việt Nam và Trung Quốc không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ trợ, cùng góp phần khẳng định vai trò của gạo - nét văn hóa đặc trưng của châu Á, phục vụ đa dạng nhu cầu tiêu dùng.

Đặc biệt ấn tượng với các sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao, ông Khuất Đông Ngọc đề nghị Phó Tổng giám đốc Thường trực FAO Godfrey Magwenzi (người Zimbabwe) và Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam Remi Nono Womdim (người Cameroon) tổ chức đoàn doanh nghiệp châu Phi sang Việt Nam tham quan, học hỏi mô hình phát triển sản phẩm địa phương. Theo Tổng giám đốc FAO, tổ chức sẵn sàng tài trợ cho hoạt động này.

Trong khi chuỗi chế biến nông sản đã trở nên chuyên nghiệp hóa, người đứng đầu FAO khuyến nghị các nhà sản xuất Việt Nam cần đẩy mạnh quản lý môi trường, đảm bảo không gây thoái hóa tài nguyên trong khi gia tăng sản xuất. Sản xuất bền vững chính là yếu tố thuyết phục người tiêu dùng trên thế giới.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ông Khuất Đông Ngọc - Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) - dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 5 - 8/2. Kể từ năm 2018, FAO đã là đối tác quan trọng của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương trong chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm).

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tong-giam-doc-fao-an-tuong-voi-san-pham-ocop-viet-nam-372567.html