Tổng Giám đốc IAEA kêu gọi Mỹ tham gia tái chế chất thải hạt nhân
Tổng Giám đốc IAEA Grossi cho rằng các nỗ lực tìm giải pháp xử lý chất thải hạt nhân của Mỹ chưa nhiều tiềm năng, trong khi đây là thứ rất dễ trở thành nguyên liệu để chế tạo vũ khí hạt nhân thô sơ.
Tái chế chất thải phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân là công việc đòi hỏi chi phí lớn và nhiều nỗ lực để đảm bảo an toàn, nhưng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có thể giám sát quá trình này nếu có sự tham gia của Mỹ. Đây là khẳng định của Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đưa ra trong tuần này.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden chủ trương mở rộng quy mô năng lượng hạt nhân và coi việc tái chế chất thải hạt nhân là một biện pháp hữu hiệu để vừa thúc đẩy nguồn cung nhiên liệu hạt nhân trong nước, vừa giảm thiểu chất thải.
Cơ quan Dự án Nghiên cứu Công nghệ Năng lượng Tiên tiến (ARPA-E) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đang thúc đẩy nhiều dự án tái chế nhiên liệu hạt nhân.
Tháng trước, cơ quan này đã cấp 38 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu xử lý chất thải hạt nhân tại một loạt công ty, trong đó có tập đoàn đa quốc gia General Electric (GE).
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra ở Ai Cập, ông Grossi cho rằng nỗ lực tìm giải pháp xử lý chất thải hạt nhân của Mỹ chưa cho thấy nhiều tiềm năng.
Ông nhấn mạnh tái chế chất thải hạt nhân là một công nghệ "rất khó," đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng.
Tái chế chất thải phóng xạ từ điện hạt nhân thực chất là chuyển đổi plutoni và urani trong chất thải thành nhiên liệu hạt nhân mới. Các chuyên gia cảnh báo việc làm này có thể tạo ra các mục tiêu tấn công mới cho phiến quân để lấy nguyên liệu chế tạo các loại vũ khí hạt nhân thô sơ.
Một người phát ngôn của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết bộ này sẽ giám sát toàn bộ chu trình nhiên liệu hạt nhân ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D) để giúp nâng cao hiệu suất nhiên liệu, giảm thiểu chất thải và hạn chế rủi ro phát sinh.
Theo quan chức trên, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ hợp tác với IAEA trong lĩnh vực nghiên cứu để thúc đẩy năng lượng hạt nhân.
Ông Grossi cho rằng nếu Mỹ theo đuổi việc tái chế chất thải hạt nhân, IAEA sẽ chịu trách nhiệm giám sát để đảm bảo quá trình này diễn ra an toàn.
Trong nhiều thập niên qua, Mỹ đã chi hàng tỷ USD cho dự án lưu trữ chất thải hạt nhân tại bãi thử hạt nhân ở núi Yucca, bang Nevada. Dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, dự án tại Yucca đã bị tạm dừng do vấp phải sự phản đối của cộng đồng địa phương.
Chất thải hạt nhân hiện được lưu trữ tại các lò phản ứng trong các hồ chứa hoặc thùng thép và bêtông./.