Tổng Giám đốc WHO: Đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Centurion, Nam Phi, ngày 9/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Reuters/Tân Hoa xã, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 27/4 cảnh báo đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt, đồng thời bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tác động từ tình trạng gián đoạn của các dịch vụ y tế thông thường, đặc biệt là đối với trẻ em.

Ông Tedros nhận định: “Đại dịch còn lâu mới chấm dứt. WHO tiếp tục quan ngại về những xu hướng gia tăng ở châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latin và một số quốc gia châu Á”. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh: “Chúng ta còn một con đường dài ở phía trước và rất nhiều công việc phải làm”.

Theo số liệu của worldometers, tính đến 7 giờ 30 sáng 28/4, trên thế giới có tổng cộng 3.059.298 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 211.219 ca tử vong. Số trường hợp phục hồi là 813.789 người.

Diễn biến dịch đang có chiều hướng thuyên giảm. Một nửa số ca tử vong trên thế giới là ở châu Âu, với 126.000 người. Tuy nhiên, một số nước bị ảnh hưởng nhất ở châu Âu đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày giảm, cho phép các chính phủ cân nhắc khả năng nới lỏng các lệnh phong tỏa vốn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.

Tại Ý, ngày 27/4, Cơ quan Dân phòng nước này cho biết số ca nhiễm mới trong ngày đã giảm từ 2.324 ngày 26/4 xuống còn 1.739 ngày 27/4. Đây là số ca nhiễm thấp nhất được ghi nhận trong 24 giờ kể từ ngày 10/3.

Số ca phải điều trị tích cực cũng giảm từ 2.009 ca ngày 26/4 xuống còn 1.956 ca, và số ca phục hồi tăng lên 64.928 ca. Ý là nước ghi nhận nhiều ca tử vong thứ hai thế giới, hiện là 26.977 sau khi có thêm 333 ca tử vong mới trong ngày 27/4.

Đến nay, Ý đã xét nghiệm cho tổng cộng 1,237 triệu dân, tăng so với 1,211 triệu người một ngày trước đó. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte thông báo từ ngày 4/5 tới, Ý sẽ từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã áp dụng 7 tuần qua.

Tây Ban Nha cũng thông báo 331 ca tử vong mới trong ngày 27/4, tăng nhẹ sau hơn một tháng ghi nhận số tử vong trong một ngày ở mức thấp nhất. Các nhà chức trách cho biết thời điểm dịch lên tới đỉnh điểm là ngày 2/4, khi số ca tử vong ghi nhận 950 người. Tuy nhiên, chính quyền cảnh báo các bậc cha mẹ không nên bỏ qua các quy định về cách ly khi con em mình được phép ra ngoài.

Bộ Y tế Pháp đã ghi nhận 437 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 23.293 ca. Số ca nhiễm đến sáng 28/4 là 165.842 ca. Pháp cũng đang cân nhắc từng bước mở cửa trường học, song các quán cà phê và nhà hàng hiện vẫn phải đóng cửa.

Cùng ngày 27/4, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết Chính phủ liên bang Đức sẽ không sớm thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Người phát ngôn Seibert cho biết cuộc thảo luận trực tuyến giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với thủ hiến các bang, theo kế hoạch diễn ra vào cuối tháng này để đưa ra các biện pháp tiếp theo, sẽ được hoãn lại tới ngày 6/5. Ông cho biết cuộc thảo luận dự kiến vào ngày 30/5 này sẽ chỉ là cuộc tham vấn trù bị quan trọng và những quyết định sẽ là rất hạn chế.

Theo người phát ngôn, việc tiến hành thảo luận các bước đi tiếp theo vào cuối tháng này là “quá sớm” để đánh giá một cách hiệu quả về những tác động của các biện pháp nới lỏng cho đến nay. Hiện có nhiều chính trị gia lên tiếng ủng hộ chủ trương tiếp tục kéo dài các biện pháp hạn chế đang áp dụng. Thủ hiến bang Niedersachsen bày tỏ ủng hộ chủ trương chưa sớm nới lỏng thêm các hạn chế, trong khi Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer cũng cảnh báo về những nguy cơ khi thảo luận sớm về việc tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội trong bối cảnh số người nhiễm mới vẫn ở mức cao như hiện nay.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã ghi nhận 1.303 ca tử vong trong 24 giờ qua. Số ca nhiễm tính đến sáng 28/4 theo giờ Việt Nam là 1.008.260. Một số bang ở Mỹ đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa ảnh để thúc đẩy kinh tế.

Cũng trong ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi một số thống đốc bang xem xét việc mở lại các trường học trong phần còn lại của năm học, trái ngược với một số khuyến nghị gần đây của chính phủ liên bang. Tổng thống Trump cho rằng một số tiểu bang nên "xem xét nghiêm túc" việc mở lại các trường học vì theo ông, đây là nguyện vọng của nhiều người Mỹ.

Lời kêu gọi của Tổng thống Trump được đưa ra khi các hướng dẫn của Nhà Trắng về việc mở cửa lại các khu vực kinh tế khuyến nghị các trường học vẫn đóng cửa cho đến khi từng tiểu bang vượt qua được tiêu chí về số ca nhiễm mới được báo cáo và tái nhiễm trong vòng ít nhất 14 ngày.

Theo trang web của Nhà Trắng, các quan chức liên bang và địa phương có thể cần điều chỉnh việc áp dụng các tiêu chí này cho từng hoàn cảnh của mỗi tiểu bang (ví dụ, các khu vực đô thị đã bị dịch COVID-19 nghiêm trọng, khu vực nông thôn và ngoại ô, nơi dịch bệnh chưa xảy ra hoặc ở mức độ nhẹ).

Ngoài ra, cũng theo Nhà Trắng, trong điều kiện thích hợp, các thống đốc nên làm việc trên cơ sở điều kiện thực tế tại các tiểu bang để đáp ứng các tiêu chí này.

Ngày 27/4, Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc COVID-19 đã tăng lên thành 15.529 người, trong đó có 1.434 ca tử vong, tăng tương ứng 852 ca bệnh và 83 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.

Thủ đô Mexico City vẫn là ổ dịch lớn nhất, với 4.521 ca bệnh. Hiện tại, tỉ lệ tử vong ở Mexico là 9,2%, cao nhất tại châu Mỹ và cao hơn nhiều so với tỉ lệ tử vong bình quân trên thế giới là 6,9%. Cơ quan y tế cảnh báo tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này sẽ ở mức cao do trên 70% dân số mắc các bệnh về cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch và béo phì.

Cơ quan chức năng cho biết Bộ trưởng Hành chính công Irma Eréndira Sandoval có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và đây là quan chức đầu tiên trong Nội các của Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador mắc bệnh. Chính phủ Mexico không áp dụng xét nghiệm đại trà cho dân chúng và dựa vào phương pháp giám sát dịch tễ học Sentinel để ước tính số ca mắc COVID-19.

Nhằm ngăn chặn dịch lây lan, cơ quan chức năng kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm những biện pháp về phòng bệnh, ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết và thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 30/5, và khuyến cáo người dân không đến các vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao. Bộ Y tế dự báo đỉnh dịch tại Mexico sẽ diễn ra vào tuần tới và kéo dài trong vòng 3 tuần.

Theo trang thống kê worldometers, tính đến 5h30 sáng 28/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 ở châu Phi đã lên tới 33.839 trường hợp, trong đó có 1.464 ca tử vong. Trên toàn thế giới đã có 3.058.186 ca mắc COVID-19, trong đó 211.147 ca tử vong, 919.727 ca hồi phục.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) - cơ quan y tế chuyên ngành của Liên minh châu Phi (AU) cho biết hiện dịch bệnh đã xuất hiện ở 52/55 quốc gia của châu lục. Công tác điều trị cho những người nhiễm bệnh ở các nước châu Phi cũng đạt được những kết quả nhất định khi có hơn 10.500 người đã hồi phục hoàn toàn.

Nam Phi hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ đại dịch COVID-19 ở châu Phi với 4.793 ca hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, tiếp đó là các quốc gia Bắc Phi như Ai Cập (4.782 trường hợp), Maroc (4.120 trường hợp) và Algeria (3.517 trường hợp).

ACDC đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng ngừa COVID-19 tại các quốc gia trong châu lục nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/239214/tong-giam-doc-who--dai-dich-covid-19-con-lau-moi-cham-dut.html