Tổng Giám đốc WHO lo vắcxin COVID-19 chưa đến tay các nước nghèo

Vắcxin ngừa COVID-19 được phân phối theo cơ chế COVAX tại làng Salem, phía đông TP Nablus, Bờ Tây - Ảnh: THX/TTXVN

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 23/4 đã nêu quan ngại về tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắcxin ngừa dịch COVID-19 khi tới nay vắcxin vẫn chưa đến tay các nước nghèo.

Phát biểu họp báo trực tuyến nhân dịp tròn một năm ra đời chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó dịch COVID-19 (ACT-A) đánh dấu sự ra đời của cơ chế chia sẻ vắcxin ngừa COVID-19 toàn cầu (COVAX), ông Tedros cho biết: "Gần 900 triệu liều vắcxin đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng hơn 81% trong số đó là ở các quốc gia thu nhập cao hoặc trung bình, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 0,3%”.

Người đứng đầu WHO đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc phân phối vắcxin ngừa COVID-19 không công bằng và kêu gọi các nước giàu hơn chia sẻ lượng vắcxin còn dư để hỗ trợ công tác tiêm chủng cho nhân viên y tế ở các nước thu nhập thấp.

COVAX, sáng kiến do WHO và Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) phối hợp triển khai, đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 cung cấp 2 tỉ liều vắcxin. Đến nay, cơ chế này đã phân phối tổng cộng 40,5 triệu liều vắcxin COVID-19 đến 118 quốc gia.

ACT-A được phát động ngày 25/4/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 còn trong giai đoạn đầu bùng phát, với 2,7 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, trong đó khoảng 190.000 ca tử vong. Hiện nay số ca tử vong do dịch bệnh này trên toàn thế giới đã lên tới hơn 3 triệu người trong tổng số hơn 145,6 triệu người mắc bệnh.

Trong diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại Anh dẫn kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Oxford cho thấy vắcxin ngừa COVID-19 làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh. Qua theo dõi gần 400.000 người Anh trong 4 tháng đầu tiên của chương trình tiêm chủng quốc gia, các nhà khoa học nhận thấy việc tiêm vắcxin của Oxford/AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech đều giúp ngăn ngừa khoảng 65% nguy cơ lây nhiễm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người nhiễm virus sau khi tiêm chủng thường không có triệu chứng và cũng ít có khả năng tạo ra virus, đồng nghĩa với việc họ ít có khả năng lây truyền virus hơn.

Theo lời của Tiến sĩ Koen Pouwels thuộc Đại học Oxford, từ kết quả nghiên cứu có thể đi đến nhận định rằng vắcxin có khả năng làm giảm sự lây truyền virus nhưng cần định lượng chính xác mức giảm này. Điều này đòi hỏi phải có các nghiên cứu kỹ lưỡng về truy vết tiếp xúc.

Trong khi đó, theo Giáo sư Sarah Walker cũng tại Đại học Oxford, mục tiêu quan trọng nhất của vắcxin là ngăn ngừa nhiễm bệnh và khi tỉ lệ lây nhiễm càng giảm thì người dân càng sớm có cơ hội trở lại trạng thái bình thường.

“Về lâu dài, phong tỏa không phải là giải pháp khả thi. Rõ ràng vắcxin là cách duy nhất để chúng ta có cơ hội kiểm soát dịch bệnh”, Giáo sư Sarah Walker nói. Tuy nhiên, cả Giáo sư Walker và các đồng nghiệp của bà đều cảnh báo rằng vắcxin không phải là “phép màu” và vẫn sẽ có những người bị nhiễm virus dù đã tiêm phòng. Do đó, người dân vẫn cần phải rất thận trọng.

Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) ngày 23/4 đã hạ độ tuổi khuyến nghị tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của Oxford-AstraZeneca. Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết NACI khuyến cáo nên sử dụng vắcxin AstraZeneca cho những người từ 30 tuổi trở lên, nếu họ không muốn chờ vắcxin sản xuất theo công nghệ mRNA và lợi ích mà vắcxin mang lại nhiều hơn rủi ro.

Trước đây, NACI khuyến cáo chỉ tiêm vắcxin AstraZeneca cho những người từ 55 tuổi trở lên. Trước đó trong tuần, một số tỉnh của Canada cũng đã giảm độ tuổi tiêm vắcxin AstraZeneca do dịch bệnh lây lan quá nhanh và đã có thêm dữ liệu cho thấy lợi ích của việc tiêm vắcxin AstraZeneca vẫn vượt trội so với rủi ro.

Cụ thể, hai tỉnh Ontario và Alberta cho những người từ 40 tuổi trở lên được tiêm vắcxin này từ ngày 20/4, chậm hơn một ngày so với hai tỉnh British Columbia và Manitoba. Trong khi đó, tỉnh Quebec quy định độ tuổi tiêm vắcxin AstraZeneca là từ 45 trở lên.

Ở cấp độ liên bang, Bộ trưởng Y tế Patty Hajdu hôm 18/4 vẫn nhắc lại hướng dẫn chính thức của bộ này - được đưa ra từ khi phê duyệt vắcxin AstraZeneca vào tháng 2 vừa qua - là có thể sử dụng vắcxin cho những người từ 18 tuổi trở lên.

Theo Bộ Y tế Canada, mặc dù đã có bằng chứng về một số trường hợp hy hữu xảy ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm vắcxin AstraZeneca song mức độ an toàn và hiệu quả của vắcxin vẫn cao. Trong số hơn 700.000 liều vắcxin AstraZenaca đã được sử dụng ở Canada thì chỉ có 4 trường hợp xuất hiện huyết khối sau tiêm.

Trong động thái dường như để trấn an người dân, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và phu nhân Sophie Gregoire Trudeau đã tiêm mũi vắcxin AstraZeneca đầu tiên hôm 23/4 tại một nhà thuốc gần Đồi Quốc hội.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Hajdu cũng tiêm mũi vắcxin AstraZeneca đầu tiên tại Thunder Bay, Ontario. Lãnh đạo Đảng Dân chủ mới (NDP) Jagmeet Singh tiêm vắcxin cùng loại ở Ottawa hôm 21/4, trong khi lãnh đạo đảng Bảo thủ Erin O’Toole đặt lịch hẹn tiêm vào cuối tuần này.

Cũng trong ngày 23/4, Cơ quan quản lý dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) dẫn kết quả đánh giá vắcxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho thấy những người càng lớn tuổi càng có hiệu quả phòng bệnh cao và lợi ích của việc tiêm vắcxin này ở người trưởng thành vẫn lớn hơn so với rủi ro.

Kết quả đánh giá trên được EMA công bố sau khi Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu cơ quan này xem xét những lo ngại về vấn đề an toàn của vắcxin của AstraZeneca, nguyên nhân khiến một loạt quốc gia hạn chế sử dụng vắcxin này ở người cao tuổi. Trong tuyên bố, EMA nêu rõ độ tuổi của người tiêm vắcxin của AstraZeneca và tỉ lệ lây nhiễm càng cao thì lợi ích của việc tiêm vắcxin này càng cao.

Tuyên bố nhấn mạnh các lợi ích của vắcxin AstraZeneca ở người trưởng thành lớn hơn những rủi ro và việc xuất hiện huyết khối sau tiêm chỉ là phản ứng phụ rất hiếm gặp.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 23/4 thông báo, công tác tiêm chủng vắcxin phòng bệnh COVID-19 của hãng dược Johnson & Johnson (J&J) có thể được tái khởi động. Trước đó hoạt động tiêm chủng loại vắcxin này bị đình chỉ do những quan ngại liên quan tới chứng đông máu.

Thông báo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ nêu rõ: "Chúng tôi đã kết luận rằng những lợi ích tiềm năng và đã được ghi nhận của vắcxin phòng COVID-19 của Janssen (chi nhánh dược phẩm của J&J) vượt trội hơn những nguy cơ đã biết và tiềm ẩn ở những người từ 18 tuổi trở lên".

Cùng ngày 23/4, Viện nghiên cứu Paul-Ehrlich (Đức) cho biết nước này quyết định chưa hạn chế sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ), trong khi hội đồng chuyên gia về vấn đề vắcxin sẽ nhóm họp vào tuần tới để đánh giá dữ liệu mới.

Giám đốc Viện Paul-Ehrlich, ông Klaus Cichutek khẳng định vắcxin của Johnson & Johnson an toàn và hiệu quả phòng COVID-19. Ủy ban vắcxin STIKO của Đức đã đánh giá dữ liệu về vắcxin của Johnson & Johnson và quyết định chưa hạn chế sử dụng chế phẩm này. STIKO sẽ tiếp tục nhóm họp và đánh giá dữ liệu mới vào tuần tới.

Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã điều tra 8 trường hợp người Mỹ (dưới 60 tuổi, chủ yếu là phụ nữ) bị rối loạn đông máu trong 3 tuần sau khi tiêm một liều vắcxin duy nhất của Johnson & Johnson. Những trường hợp được ghi nhận sau khi hơn 7 triệu liều vắcxin được tiêm tại Mỹ tính đến ngày 13/4.

EMA vẫn lên tiếng việc sử dụng vắcxin của công ty dược phẩm Mỹ, song để ngỏ khả năng cho phép các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tự quyết định về việc sử dụng vắcxin này.

Cũng về vấn đề vắcxin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng lên tiếng ủng hộ việc sử dụng vắcxin Sputnik V của Nga cho chương trình tiêm chủng. Phát biểu trong chuyến thăm Serbia, Ngoại trưởng Maas cho biết chính phủ Đức không thấy có lý do nào để không sử dụng Sputnik V, một khi loại vắcxin này được EU cấp phép lưu hành. Ông Maas cũng cho rằng EU cần phải được kiểm tra các cơ sở sản xuất vắcxin để thu thập những dữ liệu cần thiết.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254860/tong-giam-doc-who-lo-vacxin-covid-19-chua-den-tay-cac-nuoc-ngheo.html