Tổng hợp COVID-19 ngày 20/1: Ưu tiên giảm ca nặng, chủ động vaccine, thuốc điều trị; ghi nhận 152 ca tử vong
Trong ngày 20/1, dư luận quan tâm đến thông tin nổi bật như: Thủ tướng chỉ đạo ngành Y tế tập trung phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện chế độ 'trực chiến'; sẽ tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, chủ động vaccine, thuốc điều trị COVID-19; Ninh Thuận sẵn sàng phương án, kịch bản ứng phó với biến chủng mới Omicron…
Thủ tướng: Ngành Y tế tập trung phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện chế độ 'trực chiến'
Ngày 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ kết hợp trực tuyến với trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ngành Y tế tích cực hoàn thiện, rà soát, bổ sung kịp thời các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, xây dựng hàng trăm văn bản hướng dẫn chuyên môn để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 (từ tháng 4/2021) với chủng virus Delta và sau này là chủng Omicron, đa nguồn lây, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... và tại các khu vực có mật độ dân cư cao làm số mắc tăng nhanh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2021 vừa đi qua với bao khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, song đất nước ta vẫn giành được nhiều thành tựu quan trọng: giữ ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại có bước tiến quan trọng, tiếp tục hội nhập sâu rộng; giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; các cân đối lớn được đảm bảo... như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “sau một năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhìn lại chúng ta đã đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực”.
Trong những thành tựu chung của cả nước có đóng góp của ngành Y tế. Trong công tác của ngành Y tế, vất vả nhất nhưng cũng là điểm sáng nổi bật nhất chính là việc chúng ta thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại các đô thị, trong khi chưa có vaccine, thuốc đặc trị, chúng ta đã áp dụng biện pháp hành chính nghiêm ngặt và nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả. Ngành Y tế đã đưa dịch vụ y tế đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả, nhất là việc thành lập hơn 700 trạm y tế xã lưu động. Kịp thời điều động hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Ngành Y tế đóng góp vào xây dựng chiến lược vaccine, thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine,... và phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay. Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt.
Thực hiện Kết luận của Trung ương, với sự tham mưu đắc lực của các Bộ, cơ quan, nhất là Bộ Y tế, Chính phủ đã ban hành, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP. Việc chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Các chủ trương, chính sách, biện pháp triển khai phòng, chống dịch được Trung ương đánh giá là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bài học thành công trước hết là phải tuân thủ nghiêm các chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà đứng đầu là Tổng Bí thư Trung ương Đảng; phải bình tĩnh, chắc chắn, giữ bản lĩnh trong lúc khó khăn; chọn được cách tiếp cận đúng mà cụ thể là lấy cơ sở làm nền tảng, người dân là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực; tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn xã hội và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải phát huy dân chủ.
Sẽ tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, chủ động vaccine, thuốc điều trị COVID-19
Bên cạnh đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, chủ động nguồn vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.
Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 tổ chức ngày 20/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Năm 2022, mục tiêu ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thành công Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022- 2023), góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 19/1, Việt Nam ghi nhận 2.078.087 ca nhiễm SARS-CoV-2; trong đó, có 1.786.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh và 36.114 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 1,7% trong tổng số ca nhiễm).
Hiện, số ca tử vong do COVID-19 đã giảm xuống còn hơn 200 ca/ngày (so với thời kỳ đỉnh dịch là từ 300-350 ca/ngày); chủ yếu tập trung vào những người mắc bệnh nền, người già, người chưa tiêm vaccine.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay Việt Nam cơ bản bảo đảm kịp thời nhu cầu đối với các loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19. Về thuốc kháng virus, Bộ đã huy động các nguồn lực để cấp các thuốc: Remidesivir, Favipiravir, Molnupiravir.
Về tiêm chủng, đã tiếp nhận tổng số 209,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ; đạt mục tiêu của Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine năm 2021. Với lượng vaccine đã tiếp nhận, Bộ Y tế kịp thời phân bổ cho các địa phương, tiêm cho các đối tượng theo quy định. Đến nay, cả nước đã tiêm được trên 168 triệu liều vaccine phòng COVID-19; trong đó đã tiêm được 78.595.722 mũi 1, có 73.645.733 mũi 2, có 5.033.774 mũi bổ sung, và 10.727.934 mũi 3. Dự kiến, Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022.
Hiện, Việt Nam đạt trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu WHO khuyến cáo.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cảnh báo, cuộc chiến phòng COVID-19 vẫn còn kéo dài; đáng lo ngại là sự xuất hiện của biến thể Omicron, nếu biến thể mới này lan tràn sẽ dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
Vì vậy, thời gian tới vẫn tập trung công tác phòng chống dịch; nâng cao năng lực giảm nguy cơ các ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong. Đồng thời, có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn khi dịch diễn biến phức tạp.
Việt Nam có 16.715 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 4.591 ca nặng đang điều trị
Tính từ 16 giờ ngày 19/1 đến 16 giờ ngày 20/1, Việt Nam ghi nhận 16.715 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 152 ca tử vong.
Trong số các ca nhiễm mới, có 78 ca nhập cảnh và 16.637 ca ghi nhận trong nước (tăng 701 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 11.796 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.234 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 108 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại: Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP Hồ Chí Minh (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1), Quảng Ninh (2).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.094.802 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.225 ca nhiễm).
Từ 17 giờ 30 ngày 19/1 đến 17 giờ 30 ngày 20/1, cả nước ghi nhận 152 ca tử vong tại:
Tại TP Hồ Chí Minh có 13 ca trong đó có 2 ca từ các tỉnh chuyển đến: Long An (1), Tiền Giang (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác gồm: Đồng Tháp (12), Vĩnh Long (12), Kiên Giang (12), Sóc Trăng (9), Tiền Giang (9), Hậu Giang (9), Tây Ninh (6), An Giang (6), Bến Tre (6), Bình Dương (5), Long An (5), Cần Thơ (5), Bạc Liêu (5), Bình Phước (4), Đồng Nai (4), Hòa Bình (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Bình Thuận (3), Bắc Ninh (3), Hà Giang (3), Bình Định (3), Khánh Hòa (2), Cà Mau (2), Điện Biên (1), Nghệ An (1), Đà Nẵng (1), Phú Yên (1), Đắk Lắk (1), Lâm Đồng (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 157 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.266 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Ninh Thuận: Sẵn sàng phương án, kịch bản ứng phó với biến chủng mới Omicron
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh đã xây dựng kịch bản ứng phó với biến chủng mới Omicron rất cụ thể gồm: Trường hợp địa phương chưa có ca nhiễm, có ca nhiễm và trường hợp có từ 100 - 1.000 ca nhiễm trong cộng đồng.
Mặc dù hiện nay toàn tỉnh chưa có trường hợp nghi nhiễm biến chủng Omicron nhưng Ninh Thuận không chủ quan, lơ là. Tỉnh chủ động công tác giám sát dịch tễ, phát hiện sớm ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường; đồng thời điều tra, xác định nguồn lây nhiễm với trường hợp mắc COVID-19, kiểm soát chặt người nhập cảnh hoặc người đến, về từ các tỉnh, thành phố khác có ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron... qua đó lấy mẫu xét nghiệm, gửi Viện Pasteur Nha Trang giải trình tự gen.
Tỉnh chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung tại Trung đoàn 896 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) để sử dụng cách ly, kiểm soát dịch khi phát hiện trường hợp đến, về tỉnh có yếu tố dịch tễ liên quan đến biến chủng Omicron.
Ngoài ra, Ninh Thuận chuẩn bị cơ sở cách ly điều trị tại Cơ sở 2 - Bệnh viện Y dược Cổ truyền để cách ly điều trị khi phát hiện trường hợp đến, về địa phương nhiễm biến chủng mới Omicron; đồng thời chuẩn bị khu vực riêng của cơ sở điều trị COVID-19 thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho trường hợp nhiễm Omicron nặng, nguy kịch.
Nếu trường hợp có ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng, Ninh Thuận quyết liệt thực hiện kiểm soát, giám sát phòng chống dịch ngay từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa bàn dân cư. Đặc biệt, điều tra, truy vết tất cả trường hợp xác định hoặc nghi nhiễm và có tiếp xúc nguồn lây nhiễm biến chủng Omicron; thực hiện cách ly, giám sát đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, không để lây nhiễm chéo, lây lan trong cộng đồng...
Có 3,8 triệu hộ có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, một phần do dịch COVID-19
Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, có sinh kế, thu nhập không bền vững, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận và cạnh tranh trên thị trường lao động, việc làm. Hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở, giảm nghèo về thông tin, cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; nhiều công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn nghèo có quy mô nhỏ nên hiệu quả sử dụng, tác động đến đời sống dân sinh, phục vụ sản xuất còn hạn chế;
giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội mới, cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia. Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 14% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 3,8 triệu hộ; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 8% (2,2 triệu hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6% (1,6 triệu hộ). Do vậy, để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đòi hỏi phải có nguồn lực lớn để tập trung giải quyết;
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, xu hướng già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề, tìm kiếm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập.