Tổng hợp COVID-19 ngày 23/9: Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch; có 236 ca tử vong
Trong ngày 23/9, dư luận trong cả nước quan tâm thông tin nổi bật như: Nghiên cứu giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19; Việt Nam có 9.472 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong ngày có 236 ca tử vong; TP Hồ Chí Minh thông qua gói hỗ trợ 7.300 tỷ đồng dành cho người dân gặp khó khăn; Long An: Người dân ồ ạt về quê…
Thủ tướng: Nghiên cứu giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19
Sáng 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình phòng, chống dịch thời gian qua, đặc biệt bàn biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, sau một thời gian kiện toàn, Ban Chỉ đạo và các Tiểu ban của Ban Chỉ đạo đã ban hành các quy chế và hoạt động một cách trơn tru, bài bản, tập trung và hiệu quả; khẳng định, tình hình dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát, với số người mắc trong cộng đồng và số ca tử vong liên tiếp giảm... Tuy nhiên, tại một số ít địa phương dịch bệnh vẫn chưa có tiến triển rõ rệt. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù có một số chỉ số tích cực, song dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế trong công tác phòng, chống dịch nói chung như: Việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch. Công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn sót lọt một số đối tượng. Một số nơi thiếu điều kiện thực hiện “4 tại chỗ”, cần được phối hợp, hỗ trợ, chi viện giữa các cấp và địa phương. Vẫn còn hiện tượng chủ quan, lơ là, nhất là khi đã kiểm soát được một số chỉ số của dịch bệnh; còn hiện tượng tụ tập đông người khi nới lỏng giãn cách xã hội. Các biện pháp về công nghệ vẫn chưa hoàn thiện. Công tác truyền thông vẫn thiếu chủ động. Phòng, chống dịch tại một số địa phương chưa linh hoạt, cần căn cứ tính phổ biến, tính đặc thù và cần kết hợp hài hòa giữa các ngành, địa phương, đơn vị... để thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, qua quá trình phòng chống dịch, nhất là trong đợt dịch lần thứ 4 này chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý; đồng thời hiểu rõ hơn về virus gây dịch bệnh; nhận ra được những việc đã làm được và cả những việc chưa làm được để điều chỉnh nhằm phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp và theo thứ tự ưu tiên như người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, vaccine cho trẻ em...; tiếp tục thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc, sinh phẩm, thiết bị y tế phòng, chống dịch ở trong nước; tiếp tục hỗ trợ, chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… nhanh chóng khống chế, kiểm soát dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch ngay tại cơ sở, nhất là việc đảm bảo y tế, an sinh xã hội cho người dân.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được hơn 8.692 tỷ đồng
Theo Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h ngày 23/9, số dư Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 8.692,3 tỷ đồng đã bao gồm ngoại tệ quy đổi của 550.559 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào quỹ; trong đó có 13,5 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.
Tính đến thời điểm hiện nay, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi từ quỹ 4.506,8 tỷ đồng. Trong số đó, chi mua vaccine 4.498 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 8,8 tỷ đồng nên dư cuối ngày là 4.185,5 tỷ đồng.
Ban Quản lý Quỹ thực hiện xuất quỹ để chi theo nội dung chi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trên cơ sở đề nghị chi của Bộ Y tế theo quy định tại Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ và Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 02/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ.
Ngày 23/9, Việt Nam có 9.472 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong ngày có 236 ca tử vong
Ngày 23/9, Việt Nam ghi nhận thêm 9.472 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; các tỉnh: Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai có số ca nhiễm giảm.
Tính từ 17 giờ ngày 22/9 đến 17 giờ ngày 23/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.472 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 9.465 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.060 ca so với ngày trước đó) tại 33 tỉnh, thành phố (có 5.344 ca trong cộng đồng).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 723.962 ca, trong đó có 488.309 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên hệ thống ghi nhận 236 ca tử vong tại: TP. Hồ Chí Minh (175 ca), Bình Dương (37 ca), Long An (7 ca), Đồng Nai (6 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (3 ca), Bình Thuận (2 ca), Tây Ninh (2 ca), Tiền Giang (1 ca), Hà Nội (2 ca), Bình Định (1 ca).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.017 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Trong ngày 22/9, cả nước có 463.597 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 36.152.556 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 29.094.447 liều, tiêm mũi 2 là 7.058.109 liều.
HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua gói hỗ trợ 7.300 tỷ đồng dành cho người dân gặp khó khăn
Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua chính sách hỗ trợ đối với người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài trên địa bàn (đợt 3) gồm 5 nhóm đối tượng:
- Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn.
- Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).
- Người phụ thuộc của đối tượng gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).
- Cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc; sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia BHXH, người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8-2021; có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đang có mặt tại xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).
- Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách và đang có mặt tại xã, phường, thị trấn.
Mức hỗ trợ cho các đối tượng trên là 1 triệu đồng/người, chi trả một lần; nguồn chi từ ngân sách TP Hồ Chí Minh.
Thành phố sẽ không hỗ trợ đối với các trường hợp: Người đang hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia BHXH; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021.
Long An: Người dân ồ ạt về quê gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
Trong những ngày qua, tỉnh Long An và một số địa phương khác của các tỉnh miền Tây áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng ngàn người từ các địa bàn trong huyện của Long An và Thành phố Hồ Chí Minh kéo nhau về quê theo tuyến đường N2, Quốc lộ 62 để về các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang.
Điều này vừa gây khó trong việc di chuyển của người dân, vừa gây khó cho chính quyền địa phương trong công tác kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.