Tổng hợp COVID-19 ngày 29/12: Số ca mắc mới giảm nhẹ; Hà Nội tăng cường kiểm soát sau khi có ca mắc Omicron đầu tiên
Ngày 29/12, Việt Nam có 13.889 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, giảm nhẹ so với ngày trước. Trước việc phát hiện ca mắc Omicron đầu tiên, Hà Nội tăng cường kiểm soát COVID-19; đồng thời Bộ Y tế cũng đã điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19.
Ngày 29/12, Việt Nam có 13.889 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, giảm nhẹ so với ngày trước
Tính từ 16 giờ ngày 28/12 đến 16 giờ ngày 29/12, Việt Nam ghi nhận 13.889 ca nhiễm mới.
Trong số các ca nhiễm mới, có 16 ca nhập cảnh và 13.873 ca ghi nhận trong nước (giảm 548 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 8.853 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh với số mắc như sau: Hà Nội (1.766), Tây Ninh (938), Vĩnh Long (917), Khánh Hòa (793), TP Hồ Chí Minh (702), Phú Yên (686), Đồng Tháp (595), Bạc Liêu (593), Bình Định (432), Thừa Thiên Huế (390), Lâm Đồng (347), Trà Vinh (337), Quảng Nam (291), Hải Phòng (271), Bắc Ninh (263), Hưng Yên (249), Tiền Giang (214), Đồng Nai (213), Đắk Lắk (213), Thanh Hóa (206), Sóc Trăng (200), Kiên Giang (185), Đà Nẵng (180), Hà Giang (174), An Giang (172), Bình Thuận (159), Quảng Ninh (158), Cần Thơ (137), Hậu Giang (132), Gia Lai (128), Ninh Bình (120), Đắk Nông (120), Bình Dương (119), Quảng Ngãi (119), Quảng Trị (106), Vĩnh Phúc (98), Bến Tre (92), Hà Nam (92), Nghệ An (88), Nam Định (85), Bắc Giang (81), Long An (59), Sơn La (58), Ninh Thuận (57), Bình Phước (55), Thái Nguyên (54), Bà Rịa - Vũng Tàu (52), Hòa Bình (52), Phú Thọ (51), Thái Bình (42), Kon Tum (40), Lào Cai (37), Tuyên Quang (37), Cà Mau (35), Quảng Bình (31), Yên Bái (21), Hà Tĩnh (12), Điện Biên (7), Cao Bằng (7), Lai Châu (5).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Cần Thơ (giảm 626 ca), Hải Phòng (giảm 326 ca), Hải Dương (giảm 260 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Phú Yên (tăng 686 ca), Quảng Nam (tăng 209 ca), Đắk Lắk (tăng 153 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.202 ca/ngày.
Bộ Y tế điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19
Ngày 29/12, Bộ Y tế có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19.
Theo đó, ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) là một trong số các trường hợp:
Là người tiếp xúc gần (F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giám hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.
Là người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) và có có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như trên.
Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2.
Người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) là người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học... với ca bệnh xác định (F0) đang trong thời kỳ lây truyền.
Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.
Ca bệnh xác định (F0) là một trong số các trường hợp sau:
Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR).
Là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2.
Là người có biểu hiện lâm sàng nghi mắc COVID-19 (ca bệnh nghi ngờ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).
Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1 với virus SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).
Bộ Y tế nêu rõ: Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Cùng với đó, Bộ Y tế định nghĩa người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:
Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Theo Bộ Y tế, thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT>30.
Hà Nội: Tăng cường kiểm soát COVID-19 sau khi có ca mắc Omicron đầu tiên
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương tập trung, ưu tiên hơn nữa cho công tác kiểm soát dịch COVID-19 trong bối cảnh Hà Nội ghi nhận ca mắc Omicron đầu tiên, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân đón Tết...
Ngày 29/12, UBDN TP Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý IV. Tại Hội nghị, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội điểm lại hàng loạt các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021 mà thành phố đã triển khai về phòng chống và kiểm soát COVID-19, cũng như đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã ghi nhận ca đầu tiên mang biến thể Omicron, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương cần quyết tâm hơn nữa để hoàn thành những nhiệm vụ phát triển kinh – tế xã hội trong năm 2021 và các công việc này phải hoàn thành trong tháng 1/2022; tập trung thực hiện tốt kế hoạch phục vụ các hoạt động Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhằm phục vụ nhân dân đón xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”.
Liên quan đến trường hợp nhiễm biến thể Omicron, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Sau khi có kết quả xét nghiệm test nhanh, bệnh nhân được chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2. Trên chuyến bay này còn 127 người hiện đang được cách ly ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương triển khai Kế hoạch tặng quà, bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Sở Văn hóa và Thể thao triển khai Kế hoạch tuyên truyền cổ động trực quan, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; quản lý lễ hội; thực hiện trang trí trên địa bàn thành phố với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân mới 2022 và dịp Tết Nguyên đán 2022”…
Khi số ca F0 trong cộng đồng liên tục tăng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương cần đặt trọng tâm ưu tiên hơn nữa cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tăng cường sự chủ động vào cuộc của hệ thống y tế cơ sở; đồng thời quan tâm tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc cho người dân cũng như doanh nghiệp khi chịu nhiều tác động của đại dịch...
Trong bối cảnh tình hình năm 2021 và 6 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành năm 2022, Hà Nội sẽ tập trung 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022: Tập trung khắc phục tồn tại, hạn, chế và chỉ tiêu không đạt kế hoạch năm 2021; Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; đảm bảo sức khỏe cộng đồng; an sinh, phúc lợi xã hội.
Hà Nội cho phép tổ chức lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội yêu cầu việc tổ chức các lễ hội trong dịch Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đúng quy định, đảm bảo phòng chống dịch.
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-UBND, yêu cầu các cơ quan liên quan đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cho nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm "mọi người, mọi nhà đều có Tết".
Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; mừng Xuân mới Nhâm Dần 2022.
Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao phong phú, lành mạnh, phù hợp với tập quán dân tộc đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của đông đảo nhân dân và khách du lịch. Đặc biệt, thành phố yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức các lễ hội đúng quy định, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
Đối với Sở Y tế, lãnh đạo TP Hà Nội giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong thời gian giao mùa Đông - Xuân; đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động lễ hội, tập trung đông người; có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế cần duy trì tổ chức, thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho đối tượng nghi ngờ; xây dựng phương án chăm lo cho bệnh nhân buộc phải ở lại bệnh viện trong dịp Tết.
Việt Nam vượt nhiều nước trong khu vực về tốc độ tiêm chủng ngừa COVID-19
Trang covidvax.live chuyên cập nhật về tốc độ tiêm vaccine ngày 27/12 cho biết hiện Việt Nam trở thành quốc gia thứ 53 trên thế giới đạt mục tiêu tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số.
Theo trang này, hiện mới chỉ có 63 nước và vùng lãnh thổ đạt được mục tiêu kể trên trong số hơn 220 nước và vùng lãnh thổ có số liệu về phòng, chống đại dịch.
Tại châu Á, tốc độ và số lượng tiêm phòng của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan, Lào, Philippines, Ấn Độ và Indonesia. Ngoài châu Á, Việt Nam có độ bao phủ vaccine thấp hơn Mỹ chỉ 2 bậc. Trong khi đó, Việt Nam cao hơn Nga tới khoảng 40 bậc.
Theo số liệu do Bộ Y tế Việt Nam công bố ngày 27/12, cả nước đã tiêm tổng cộng hơn 146 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là hơn 77 triệu liều và tiêm mũi 2 là gần 66,5 triệu liều. Số người Việt Nam tiêm mũi 3 đạt gần 2,8 triệu liều.
Giới chuyên môn đánh giá tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam cao hơn so mức dự báo hồi đầu năm 2021 phải đến tháng 4/2022, Việt Nam mới đạt tỷ lệ tiêm đủ số liều cần thiết.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam từ quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 thấp đã trở thành một trong nước tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới là nhờ chiến lược ngoại giao vaccne không ngừng nghỉ.
Ngoại giao vaccine, chiến lược ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam đã và đang được triển khai một cách quyết liệt trong mọi hoạt động, góp phần giúp Việt Nam làm chủ vaccine, chủ động thích ứng an toàn và kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19 để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội.
Sơn La ghi nhận 29 F0 là học sinh được phát hiện tại cộng đồng
Ngày 29/12, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, trong quá trình xét nghiệm phục vụ công tác giám sát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh ngày 28/12 đã phát hiện 58 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, riêng thành phố Sơn La ghi nhận 29 trường hợp là học sinh, được phát hiện tại cộng đồng.
Ngay sau khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 tại cộng đồng, thành phố Sơn La đã thực hiện đồng bộ các giải pháp điều tra truy vết, xét nghiệm những trường hợp liên quan; phong tỏa các khu vực có ca dương tính và tổ chức phun khử khuẩn... Cùng với đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La đã chỉ đạo các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn cho học sinh tạm dừng đến trường từ ngày 29/12 đến khi có thông báo mới để phòng tránh dịch.
Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường, các trường tổ chức dạy học trực tuyến; phối hợp chặt chẽ với các cấp trong việc truy vết. Khi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh hoặc người nhà có biểu hiện sốt, ho, khó thở... phải báo cáo ngay với cơ quan y tế tại địa phương và thực hiện theo hướng dẫn. Các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố chủ động phối hợp với phụ huynh trong việc quản lý và theo dõi sức khỏe của học sinh, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.