Tổng hợp COVID-19 tuần từ 14-20/2: Sau Tết số ca F0 ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục tăng cao, nhiều địa phương duy trì cho học sinh học trực tuyến

Trong tuần từ 14-20/2, số ca mắc COVID-19 trên cả nước liên tục tăng cao, nhất là tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trước dư luận mong muốn cho học sinh quay trở lại trường, học trực tiếp nhưng do số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng nhanh, nhiều địa phương tiếp tục kéo dài thời gian học trực tuyến.

Test COVID-19 cho học sinh có biểu hiện ho, khó thở. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Test COVID-19 cho học sinh có biểu hiện ho, khó thở. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Ghi nhận 47.200 ca mắc COVID-19 trong ngày 20/2, tăng 5.224 ca so với ngày trước đó

Tính từ 16h ngày 19/2 đến 16h ngày 20/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 47.200 ca mắc mới, trong đó 8 ca nhập cảnh; 47.192 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.224 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 33.851 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó gồm: Hà Tĩnh (+1.294), Bắc Giang (+458), Phú Thọ (+414). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 37.670 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.787.493 ca mắc, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 28.224 ca mắc).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số mắc ghi nhận trong nước là 2.780.251 ca, trong đó có 2.278.617 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (519.993), Bình Dương (293.915), Hà Nội (198.344), Đồng Nai (100.529), Tây Ninh (89.052).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (địa chỉ cdc. kcb. vn), trong ngày 20/2, đã có 13.414 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tống số ca được điều trị khỏi lên 2.281.434 trường hợp.

Hiện có 2.347 bệnh nhân nặng đang điều trị; trong đó, 1.722 ca thở ô xy qua mặt nạ; 321 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 57 ca thở máy không xâm lấn; 235 ca thở máy xâm lấn; 12 ca ECMO.

Từ 17h30 ngày 19/2 đến 17h30 ngày 20/2 ghi nhận 78 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 79 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.501 ca, chiếm 1,4% so với tổng số ca mắc.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung quyết liệt việc tiêm vaccine trên địa bàn theo Kế hoạch số 125/KH-BYT ngày 26/1/2022 về tổ chức chiến dịch tiêm chủng mùa xuân; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng tiêm chủng đến lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 508/BYT-DP ngày 28/1/2022 và Công văn số 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021; đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên hoàn thành trong tháng 2/2022.

Bộ cũng đề nghị tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người mắc hoặc nghi mắc COVID-19; người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.

Sau Tết số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh gia tăng

Theo Hệ thống giám sát dịch bệnh COVID-19, số ca mắc mới tại TP Hồ Chí Minh từ 12-18/2, ghi nhận là 2.934 ca, tăng gấp 3 lần so với tuần trước đó (5-11/2), đồng thời số ca nhập viện cũng có khuynh hướng gia tăng nhẹ. Tuy nhiên số bệnh nặng vẫn đang giảm và số ca tử vong vẫn đang ở mức thấp. Ngày 19/2 ghi nhận 2 ca tử vong nhưng là bệnh nhân từ tỉnh thành khác chuyển đến Thành phố để điều trị.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tượng số ca mắc mới tăng ở cả 22/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã được dự báo trước khi thành phố khôi phục trở lại các hoạt động lao động sản xuất, học tập cũng như các sinh hoạt xã hội.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã phát hiện những ca bệnh mang biến chủng Omicron trong cộng đồng. Kết quả nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy sự lưu hành đồng thời cả 2 biến chủng Delta và Omicron sẽ làm cho số ca mắc mới tăng nhanh chóng, theo đó là số ca nhập viện và bệnh nặng cũng có thể gia tăng. Những biện pháp dự phòng không dùng thuốc như 5K và tiêm chủng vẫn là những biện pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch. Do đó người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo 5K. Thực hiện các biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi đến lượt.

Trong bối cảnh toàn bộ học sinh các cấp đã đi học trực tiếp trở lại, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng, trường học như: Hướng dẫn các cơ sở giáo dục vệ sinh khử khuẩn các lớp học, điều tra dịch tễ, theo dõi sức khỏe các trường hợp F1 để phát hiện sớm F0, hạn chế thấp nhất sự lây lan dịch COVID-19; lấy mẫu ngẫu nhiên nhóm ca bệnh để giải trình tự gen; xét nghiệm cho toàn bộ F1, theo dõi sức khỏe theo quy định; thông báo đến các trường có học sinh ở tại một tu viện tại quận Gò Vấp (đây là một ổ dịch mới phát hiện) theo học để được điều tra dịch tễ, xét nghiệm các trường hợp F1.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng tổ chức họp khẩn với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của các quận, huyện có số ca mắc mới tăng cao về các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó quan trọng nhất là tiêm chủng và bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các hoạt động để kiểm soát dịch bệnh.

Thầy cô và học sinh sát khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào trường. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Thầy cô và học sinh sát khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào trường. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Mở cửa lại trường học là yêu cầu bức thiết nhưng không được cực đoan

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học vào ngày 17/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, các điều kiện, năng lực phòng, chống dịch trong nước đã khác với tỉ lệ bao phủ vaccine cao; đã có thuốc, kinh nghiệm và phác đồ điều trị; ý thức của người dân khá tốt… từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Việc mở cửa lại trường học là yêu cầu bức thiết, khi trẻ ở nhà lâu sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường, không chỉ chậm chương trình học văn hóa, kiến thức, mà còn tác động rất lâu dài đến sự phát triển của các cháu. Tuy vậy, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hạn, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan trong khôi phục lại các hoạt động kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới, "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sĩ Kidong Park cho biết, việc học sinh đi học trở lại có lợi hơn so với những rủi ro từ dịch bệnh bởi việc đóng cửa trường học trong một thời gian dài gây ra những tác động tiêu cực về mặt giáo dục và sức khỏe đối với trẻ em và xã hội, đặc biệt là với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Những trẻ em này phải đối diện một cách bất bình đẳng với các thách thức khi tham gia chương trình học từ xa. T

hời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng để sớm cho trẻ đến trường an toàn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc COVID-19 tăng mạnh. Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm, thăm dò, đặc biệt là đối với cấp mầm non và tiểu học.

Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.

Việc tổ chức bán trú, học hai buổi còn rất khác nhau ở nhiều địa phương gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con, họ thể hiện điều này rất sôi động trên các trang mạng xã hội cũng như nhóm, hội phụ huynh học sinh, nhất là cấp tiểu học.

Cùng với đó, tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 gia tăng khi quay trở lại trường gần đây đã khiến nhiều phụ huynh chuyển từ trạng thái mong ngóng, háo hức chờ ngày con được trở lại trường sang lo lắng, bất an, quyết định tiếp tục cho con học trực tuyến để tránh nguy cơ nhiễm bệnh từ trường học. Đặc biệt, với cấp học mầm non, tiểu học, nhiều phụ huynh chưa sẵn sàng tâm thế cho con quay trở lại trường, nên có tình trạng, lớp học vẫn mở cửa, cô giáo vẫn tới lớp nhưng chỉ có duy nhất một học sinh đến trường học trực tiếp, còn lại tham gia học trực tuyến tại nhà.

Trước diễn biến mới của dịch, một số địa phương đã có điều chỉnh về việc học trực tiếp của học sinh. Cụ thể là ngày 18/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký Văn bản số 472/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND các quận về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận. UBND thành phố thống nhất đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 397/TTr-SGDĐT ngày 18/2/2022 về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1-6 thuộc 12 quận cho đến khi có thông báo mới.

Viều điều chỉnh này của Hà Nội đã tạo được sự đồng thuận với đa số phụ huynh học sinh tiểu học trong bối cảnh số ca mắc ở Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước và thời tiết không thuận lợi, mưa rét liên tiếp.

Còn tại tỉnh Lào Cai, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu tạm dừng việc tổ chức dạy và học trực tiếp đối với tất cả các cấp học trên địa bàn thành phố Lào Cai kể từ ngày 19/2/2022 cho đến khi có thông báo mới để phòng, chống dịch COVID-19…

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với số ca mắc trong học sinh và giáo viên tăng cao, sáng 20/2, UBND thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) quyết định tạm dừng dạy học trực tiếp đối với học sinh mầm non, tiểu học và học sinh lớp 6.

Chủ động tiếp cận trước các nguồn vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi

Bộ Y tế cho biết đang chủ động tiếp cận trước các nguồn vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi (trước mắt là vaccine Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới) và tiêm ngay theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Thông tin về tình hình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi ở các nước trên thế giới hiện nay, cùng những thông tin mới nhất từ nghiên cứu và thực tiễn tiêm ở các nước phát triển, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho biết, theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Tính an toàn của vaccine cho trẻ ở độ tuổi này cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam đã triển khai như các quốc gia trên thế giới.

Theo đó, đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau. Tới đây, tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, chúng ta sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng vaccine chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển cho biết, bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin - khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm không nên lo ngại, vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn.

Chia sẻ lý do vì sao đa số trẻ em mắc COVID-19 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng vẫn nên tiêm vaccine, Tiến sĩ Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) cho biết, hiện nay, số ca mắc ở người lớn đang tăng rất nhanh kéo theo tỷ lệ mắc ở trẻ cũng tăng. Mặc dù số ca nặng ở trẻ không cao như người lớn, nhưng có trường hợp nặng, nguy kịch và thậm chí tử vong. Tỷ lệ lớn trẻ em mắc COVID-19 bị nhẹ nhưng với số lượng trẻ nhiễm lớn, số ca nặng và tử vong cũng sẽ không nhỏ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc hội chứng hậu COVID-19, viêm đa tạng hay biến chứng bất lợi như viêm cơ tim chiếm tỷ lệ không nhỏ. Các đối tượng này chưa được tiêm vaccine.

V.T/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tong-hop-covid19-tuan-tu-14202-sau-tet-so-ca-f0-o-ha-noi-va-tp-ho-chi-minh-lien-tuc-tang-cao-nhieu-dia-phuongduy-tri-cho-hoc-sinh-hoc-truc-tuyen-20220220184702435.htm