Tổng kết 10 năm Chương trình 'Ươm mầm hữu nghị' Việt Nam - Campuchia
Đến nay, chương trình đã phát triển rộng khắp đến hầu hết các tỉnh, thành phố có sinh viên Campuchia theo học, với sự tình nguyện tham gia của trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” và chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia diễn ra chiều 6/11 tại tỉnh Bình Phước, các đại biểu đã đánh giá cao ý nghĩa của chương trình; qua đó góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo bồi dưỡng, giúp đỡ lưu học sinh Campuchia học tập tại Việt Nam.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ “Chương trình gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ V”, do Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam và tỉnh Bình Phước tổ chức.
Tham dự Hội nghị về phía Campuchia có bà Men Sam An, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam, Ngài Chay Navuth; các thành viên Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam.
Đoàn đại biểu Việt Nam có bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia; ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương tham dự.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Lê Tuấn Khanh cho biết: Chương trình “Ươm mầm hữu nghị”, ban đầu có 12 gia đình, hầu hết là do lãnh đạo trung ương Hội, những cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện nhận đỡ đầu 34 sinh viên đang học tập ở Hà Nội và Thái Bình. Đến nay chương trình đã phát triển rộng khắp đến hầu hết các tỉnh, thành phố có sinh viên Campuchia theo học, với sự tình nguyện tham gia của trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên.
“Cùng với đó, trong 10 năm qua, với sự đồng hành bảo trợ của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội từ thiện và các nhà hảo tâm, các cấp hội đã chủ động phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam các cấp tổ chức hàng trăm hoạt động hỗ trợ hàng nghìn lượt sinh viên dưới những hình thức như khen thưởng, tặng quà, trao học bổng; tổ chức gặp gỡ, giao lưu hữu nghị, tham quan dã ngoại, tìm hiểu thực tế; trang cấp thiết bị, vật dụng thiết yếu… góp phần thiết thực giúp đỡ sinh viên an tâm học tập và cải thiện đời sống văn hóa tinh thần”, ông Lê Tuấn Khanh cho biết.
Các tham luận chia sẻ tại hội nghị đều khẳng định, thông qua các hoạt động của Chương trình, mối quan hệ giữa các tập thể, gia đình, cá nhân đỡ đầu, giúp đỡ và các bạn sinh viên ngày càng gần gũi, gắn bó sâu sắc. Thành công bước đầu của Chương trình là hầu hết các sinh viên đều tự tin và có kết quả học tập tốt, đạt loại khá, giỏi, xuất sắc trong các kỳ thi tốt nghiệp; các bạn đã về nước đều có công việc làm ổn định, phù hợp với chuyên ngành đào tạo và có nhiều cơ hội phát triển, có bạn đã học lên thạc sĩ, tiến sĩ và vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về một thời sinh viên học tập ở Việt Nam, thường xuyên liên lạc, tâm sự, chia sẻ vui buồn với tập thể, gia đình, cá nhân đỡ đầu ở Việt Nam như những người thân trong gia đình.
“Trong suốt 40 năm đào tạo lưu học sinh Campuchia, Trường Đại học Y dược Thái Bình đã triển khai các kế hoạch phù hợp và thực hiện tốt việc đào tạo mang lại kết quả cao. Nhà trường đã đưa môn tiếng Việt vào giảng dạy chính khóa như một ngoại ngữ. Các lưu học sinh được học chung với các sinh viên Việt Nam để tăng cường giao tiếp bằng tiếng Việt. Trường cũng đã biên soạn cuốn Từ vựng chuyên ngành Việt-Anh-Khmer hỗ trợ cho việc học tập của lưu học sinh. Trong quá trình học tập, các lưu học sinh luôn nhận được sự quan tâm, tận tình chỉ bảo, hướng dẫn của các thầy, cô giáo, sự giúp đỡ của các bạn sinh viên Việt Nam”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Ủy viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng, Chương trình “Ươm mầm hữu nghị”, bước đầu đã thu được những kết quả tích cực, được lãnh đạo cấp cao hai nước ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2022 - Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam và kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967 - 24/6/2022), hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, nổi bật là các chuyến thăm, gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước diễn ra liên tục từ đầu năm đến nay.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, thông qua các hoạt động này, sự tin cậy chính trị, tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Campuchia tiếp tục được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt các tầng lớp nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn và có trách nhiệm cao hơn trong việc gìn giữ và vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai đất nước.
Tại hội nghị, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã trao tặng Kỷ niệm chương vì tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho 75 cá nhân hai nước vì đã có đóng góp tích cực vào việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Campuchia; tặng Bằng khen của Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho 6 tập thể, 10 cá nhân vì có nhiều đóng góp tích cực trong công tác “Ươm mầm hữu nghị” giai đoạn 2012-2022.