Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách
Sáng nay 7/8, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (Chỉ thị 40). Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam Nguyễn Đức Hải; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự.
28.322 hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và các văn bản liên quan đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội (CT - XH), cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng CSXH. Cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao thông qua lồng ghép các chương trình phát triển KT - XH, chương trình khuyến nông, khuyến công... để bố trí, bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay, xác nhận đối tượng vay vốn.
Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng CSXH, cùng với nguồn vốn cân đối từ trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Mặt trận Tổ quốc và tổ chức CT - XH các cấp đã quan tâm, chỉ đạo, phối hợp tốt với NHCSXH trong thực hiện các chương trình tín dụng CSXH. Tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, tổng dư nợ toàn tỉnh đạt hơn 5.000 tỉ đồng, tăng gần 3.400 tỉ đồng so với năm 2014 với tốc độ tăng trưởng trên 200%, bình quân hằng năm tăng 20%, phủ kín tại 125 xã, phường, thị trấn với 1.856 tổ TK&VV; có 76.959 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ, chiếm 42,3% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Tín dụng chính sách đã góp phần giúp 28.322 hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo, gần 10 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 31.092 hộ vay vốn để tạo thêm việc mới. Đã có hơn 161.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, 384 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, hơn 2.100 hộ nghèo được hỗ trợ vốn vay để xây dựng nhà ở, hơn 1.300 hộ gia đình có thu nhập thấp được vay vốn để xây dựng nhà ở.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả to lớn, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống an ninh chính trị, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong giai đoạn này, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 20 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn để sản xuất - kinh doanh, tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ sản xuất - kinh doanh và quản lý vốn. Thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách đã làm chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị 40 trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức CT - XH các cấp tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với tín dụng CSXH. Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng CSXH. Bố trí, huy động nguồn lực thực hiện tín dụng CSXH nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Chi nhánh NHCSXH tỉnh.
Hội nghị đã nhận được 17 ý kiến tham luận, trong đó có 5 ý kiến tham luận tại hội trường của các đơn vị, địa phương và cá nhân đã minh họa sinh động bức tranh thực tiễn tại địa phương, cơ sở trong triển khai thực hiện Chỉ thị 40.
Các tham luận, ý kiến đều khẳng vai trò chủ lực, trụ cột của tín dụng CSXH trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực... Đồng thời đề xuất trong thời gian tới cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với tín dụng CSXH, hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính, về đối tượng, địa bàn, mức cho vay, lãi suất vay...
Cải tiến quy trình, thủ tục để người dân dễ tiếp cận vốn tín dụng chính sách
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Nguyễn Đức Hải đánh giá cao quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị 40 của tỉnh Quảng Trị, những cách làm sáng tạo của địa phương và đề xuất cần nhân rộng. Đồng thời gợi mở những vấn đề thiết thực, góp phần định hướng hoạt động để tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh, tín dụng CSXH được thực hiện thông qua NHCSXH đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát được tăng cường. Đồng thời góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, là một trong những đòn bẩy kinh tế giúp người nghèo và các đối tượng CSXH có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40, Kết luận số 06, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động tín dụng CSXH, góp phần thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức CT - XH trong thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn. Tập trung bố trí, huy động nguồn lực thực hiện tín dụng CSXH nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Trong đó lưu ý, UBND tỉnh và UBND cấp huyện hằng năm cân đối ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay theo hướng năm sau cao hơn năm trước, phấn đấu đến năm 2030, tỉ lệ nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tối thiểu 15% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện trên địa bàn, đảm bảo theo mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức CT - XH thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của NHCSXH, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục triển khai, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng CSXH.
NHCSXH cần tiếp tục quản lý tốt nguồn vốn tín dụng CSXH, đáp ứng kịp thời, cho vay thuận lợi cho người dân, đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, công khai minh bạch. Tiếp tục thực hiện ủy thác cho vay vốn thông qua các tổ chức CT - XH và giải ngân vốn vay trực tiếp đến các đối tượng nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân.
Cải tiến quy trình, thủ tục tín dụng và tăng cường hướng dẫn để Nhân dân thuận tiện, dễ dàng trong tiếp cận các dịch vụ của NHCSXH. Coi trọng xây dựng hình ảnh NHCSXH phục vụ tận tình, chu đáo, chuyên nghiệp, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, để tín dụng chính sách luôn đồng hành với người dân trong hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 16 tập thể và 28 cá nhân có nhiều thành tích trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 40. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng bằng khen cho 1 cá nhân; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen cho 1 tập thể thuộc NHCSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã có nhiều đóng góp trong thực hiện Chỉ thị 40.