Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020

Sáng 18/3, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, ngày 05/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020.

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học và các hiệp hội có liên quan.

Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành và các hội, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được nhiều kết quả, có 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trong đó đáng chú ý, diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn).

Giai đoạn 2009-2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm). Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn…

Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao (đứng thứ 6 trên thế giới).

Tại tỉnh Lào Cai, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh toàn diện, công tác quy hoạch sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quản lý tốt. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 6.530 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,01%. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục có sự chuyển biến tốt, chuyển dịch đúng hướng, hợp lý. Giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị ha canh tác đạt 69 triệu đồng, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2008 (18 triệu đồng). Sản xuất đã đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho Nhân dân; công tác xóa đói, giảm nghèo khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm. Tổng sản lượng lương thực năm 2018 đạt 319.947 tấn, tăng gấp 2,67 lần so với năm 2008…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững nên quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định; tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất lương thực, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Nhằm đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng của hơn 104 triệu dân cả nước vào năm 2030, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: giữ ổn định khoảng 3,3-3,6 triệu ha đất lúa, sản xuất trên 35 triệu tấn lúa/năm; sản lượng rau, đậu các loại đạt 20 – 22 triệu tấn; thịt hơi các loại 6,6 triệu tấn, sữa tươi 2,3 – 2,5 triệu tấn… Đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm và đời sống Nhân dân; thúc đẩy khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các phương pháp nghiên cứu chọn giống, gia tăng chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng lương thực, thực phẩm; phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực cho
người dân ở mọi lúc, mọi nơi…

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/tong-ket-10-nam-thuc-hien-de-an-an-ninh-luong-thuc-quoc-gia-den-nam-2020-z3n20200318143150851.htm