Tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn
Chiều 28/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 - 2023).
Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Đề án; Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đồng chủ trì, điều hành hội nghị.
Đồng chí Võ Thanh Bình - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Bình Thuận.
Dự tại điểm cầu Bình Thuận có đồng chí Võ Thanh Bình - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Qua 15 năm triển khai thực hiện, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên ở cơ sở và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện tự trang bị, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, năng lực về nhiều mặt. Đề án đã xuất bản gần 600 đầu sách với tổng số hơn 14 triệu bản in. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng đã xây dựng thư viện điện tử của tủ sách xã, phường, thị trấn, thu hút hàng ngàn lượt xem và truy cập. Sách có nội dung phong phú về nhiều lĩnh vực, cung cấp những tri thức cơ bản, thiết thực, quan trọng, chính thống về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, công tác quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Sách được biên soạn ngắn gọn, văn phong giản dị, phổ thông, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Tại Bình Thuận, qua 15 năm thực hiện Đề án đã góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập nâng cao trình độ kiến thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân. Các địa phương chủ động phân loại, xây dựng tủ sách và chú trọng công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đều có thể tìm đọc... Một số cơ quan, địa phương triển khai, phát động nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: huyện Tuy Phong có các mô hình “Trưng bày sách tại các trường học” (Thư viện huyện); “Đọc và làm theo báo đội” (xã Phước Thể); “Đọc báo sáng” (Công an huyện). Thành phố Phan Thiết có mô hình thành lập Ban Chỉ đạo về “Triển khai, thực hiện Đề án xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” nhằm sử dụng hiệu quả tủ sách ở cơ sở.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp; Hội đồng chỉ đạo, Ban tổ chức thực hiện Đề án; các đơn vị thực hiện Đề án trong việc triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án 15 năm qua.
Thời gian tới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu cấp ủy, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt; đặc biệt phải nêu gương để phát triển văn hóa đọc. Cùng với đó, cần chủ động nắm bắt nhu cầu, mong muốn của nhân dân để chọn lựa nội dung, hình thức thể hiện, cách chuyển tải phù hợp; không máy móc, không giáo điều; có tỷ lệ sách phù hợp đáp ứng nhu cầu chung, vừa có tỷ lệ sách phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Đề án, trong đó chú trọng phát hiện, biểu dương và đề nghị nhân rộng những mô hình tốt, sáng tạo trong việc bảo quản và sử dụng sách. Đẩy mạnh số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử trên mạng internet để tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, tra cứu, tìm hiểu...