Tổng kết 5 năm thực hiện Dự án 8 thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực miền núi
Ngày 20.5 tại Hà Nội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025'.
Hội nghị tổng kết Dự án 8 giai đoạn 1 được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến 50 tỉnh/thành phố địa bàn của Dự án, với sự tham gia của gần 400 đại biểu tại các cơ quan, ban, ngành, chính quyền cơ sở... nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án và đề xuất nội dung, giải pháp tham gia triển khai Chương trình giai đoạn 2026-2030.
Dự án 8 là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Dự án được thiết kế với 4 nhóm nội dung trọng tâm và 9 chỉ tiêu cốt lõi, chú trọng quan tâm hỗ trợ phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn và thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định, đây là lần đầu tiên có một Dự án đặc thù về giới được phê duyệt trong Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trung ương Hội LHPN Việt Nam biểu dương 30 tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai thực hiện Dự án ở giai đoạn I
Sau 5 năm thực hiện, Dự án 8 cơ bản hoàn thành 4 nội dung trọng tâm. Cụ thể, tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Cùng với đó là trang bị kiến thức kỹ năng thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng).
Kết quả, đã có 8/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã đạt và vượt kế hoạch giai đoạn, trong đó 4/9 chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch, gồm: Tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ tin cậy, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, Năng lực cho cán bộ nữ DTTS được nâng cao.
Đặc biệt, trong giai đoạn qua, đã có hơn 7.000 bà mẹ tại 10 tỉnh có tỉ lệ sinh con tại nhà cao được thụ hưởng chế độ hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn.
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của các cấp Hội trong việc triển khai thực hiện Dự án, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến cho rằng các cấp Hội cần tiếp tục phát huy vai trò đơn vị nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ, trẻ em gái tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trong thời gian tới, trước bối cảnh sắp xếp bộ máy toàn hệ thống chính trị, cùng với việc chuyển đổi số mạnh mẽ để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể, đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi trong Chương trình giai đoạn 2026-2030.
Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030...
Nhân dịp này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã biểu dương, khen thưởng 30 tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai thực hiện Dự án ở giai đoạn I.