Tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc
Sáng nay (3/8), tại tỉnh Hòa Bình, đã diễn ra tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc và định hướng giai đoạn sau năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị.
Đây là hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới cấp vùng đầu tiên của cả nước để hướng tới tổng kết trên toàn quốc sẽ diễn ra vào cuối năm nay tại tỉnh Nam Định.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP
Theo báo cáo, đến hết tháng 6/2019, khu vực miền núi phía bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015, mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước là 32,79%), thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28%, hoàn thành sớm hơn 1 năm so mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá việc triển khai xây dựng nông thôn mới, thay đổi đời sống của người dân ở khu vực này gặp vô vàn khó khăn do địa hình hiểm trở, chia cắt. Tuy nhiên, “trong cái khó ló cái khôn”, nhiều địa phương đã chủ động triển khai xây dựng mô hình thôn, bản nông thôn mới, thay vì làm ở cấp xã, vốn có địa bàn trải rộng.
Vào tháng 3/2019 tại Cao Bằng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh vùng miền núi phía Bắc là cái nôi của cách mạng, đồng bào dân tộc miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, cần được Đảng, Nhà nước và nhân dân tập trung hỗ trợ, trong đó có nhiều giải pháp tổng hợp thông qua xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Đến hết tháng 6/2019, khu vực miền núi phía bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: internet
Theo Bộ NN&PTNT, qua 10 năm triển khai, công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của cấp ủy, chính quyền địa phương đã thay đổi tích cực. Trước đây chủ yếu tập trung chỉ đạo đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thì gần đây đã chuyển sang thực hiện các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân (như phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, bảo vệ và cải tạo cảnh quản môi trường, bảo tồn và phát triển văn hóa, phát triển du lịch nông thôn…). Một số địa phương đã sớm chủ động phê duyệt và triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Sơn La, Hòa Bình…), Đề án triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm -OCOP (Lào Cai, Bắc Kạn, Bắc Giang…).
Lãnh đạo chủ chốt một số địa phương đã nhanh chóng vào cuộc để tập trung chỉ đạo thực hiện, cũng như vận động, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn (Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang…), đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương (Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La…).
Một số địa phương đã sớm ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản như Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên… làm cơ sở để Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số đề án xây dựng nông thôn mới vùng đặc thù, 3 tỉnh là Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn đã xác định rõ được định hướng và giải pháp xây dựng nông thôn mới ở những địa bàn khó khăn; chủ động ban hành kế hoạch và chỉ đạo các huyện, xã huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án (chương trình giảm nghèo bền vững, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách hỗ trợ của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới…) để giúp các xã trong vùng đề án sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.