Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020

(QTO) - Hôm nay 12/12/2020, tại Thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, triển khai phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị trực tuyến đến với 80 điểm cầu trong cả nước với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Sỹ Đồng cùng lãnh đạo các đơn vị, địa phương tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Lê Minh

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Sỹ Đồng cùng lãnh đạo các đơn vị, địa phương tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Lê Minh

Báo cáo tại hội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Trung ương về phòng, chống tham nhũng Phan Đình Trạc nêu rõ: Từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), được thành lập (tháng 2/2013), công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, bài bản và có chiều sâu, tạo dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Với quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường chỉ đạo, chủ động, tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cả trong lực lượng vũ trang; làm một cách bài bản, nghiêm minh từ trên xuống dưới, có trọng tâm, trọng điểm; kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện rõ bản lĩnh, kiên quyết, mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra xuống đến cả cấp ủy cấp huyện và cơ sở; xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can và đã xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó Ban Chỉ đạo đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo, đồng thời, trực tiếp theo dõi, trực tiếp chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc và đã tiến hành xét xử 86 vụ án/814 bị cáo; mức án được tuyên rất nghiêm khắc, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Qua xử lý các vụ án đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu hồi được gần 68.000 tỉ đồng/118.000 tỉ đồng phải thu hồi, đạt tỉ lệ 57,39%.

Các vụ án điển hình đã bị xử lý như vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm; vụ án xảy ra tại Mobifone - AVG; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; vụ án xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân... Những người vi phạm bị xử lý từng giữ các chức vụ cao trong đảng, trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang gồm 18 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 6 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 1 Thứ trưởng, 4 nguyên Thứ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng...

Bên cạnh đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 131.000 đảng viên, trong đó có hơn 6.000 đảng viên sai phạm về tham nhũng; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 10 tổ chức đảng trực thuộc trung ương và hơn 110 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 4 Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.

Công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước được triển khai toàn diện đối với những lĩnh vực, dự án có thông tin, dư luận về tiêu cực, tham nhũng và đã kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể và nhiều cá nhân sai phạm; chuyển cơ quan điều tra hơn 650 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị xử lý tài chính hơn 700.000 tỉ đồng, hơn 20.000 ha đất.

Đánh giá về hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, báo cáo tại hội nghị nhấn mạnh: Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, nhất là việc thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Về nhiệm vụ trong trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phát huy những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới phải được triển khai với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, kiên quyết, kiên trì, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất, đồng bộ, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, hiệu quả, khả thi.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiễm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=153971