Tổng kết đề án phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi
Chiều 20-5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết đề án 'Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025'.
Dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Minh Phương
Theo đó, qua 10 năm triển khai thực hiện đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025”, các hoạt động chính trị ngoại giao, mối quan hệ hợp tác nhiều mặt không ngừng được mở rộng và phát triển.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng khu vực Trung Đông-châu Phi là thị trường có nhiều tiềm năng về kinh tế, tài chính, đầu tư, thương mại, nông nghiệp, du lịch, trong đó còn nhiều dư địa hợp tác và tiềm năng hợp tác lớn để tạo thêm sinh lực mới đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và khu vực này ngày càng đi vào chiều sâu.
Đáng chú ý, nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác khu vực cũng được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo. Các nước trong khu vực rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động hơn trong nghiên cứu, mở rộng thị trường sang các nước Trung Đông-châu Phi để tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư và thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đối với tỉnh Gia Lai, hiện nay quy mô hợp tác giữa tỉnh và các nước Trung Đông-châu Phi còn khiêm tốn, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang thị trường này khoảng 8,3 triệu USD. Toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp được chứng nhận Halal, với các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal chủ yếu là cà phê hòa tan, cà phê nhân xô, sản phẩm chè, tiêu hạt, hạt điều, đường.
Do vậy, tỉnh Gia Lai mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm, giới thiệu các tổ chức, doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại sang thị trường các nước thuộc khu vực Trung Đông-châu Phi; tổ chức các đoàn đi quảng bá địa phương Việt Nam tại khu vực này nhằm tăng cường hiểu biết, xúc tiến đầu tư, thương mại.

Các đại biểu tại điểm cầu Gia Lai tham gia hội nghị trực tuyến tổng kết đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025”. Ảnh: Minh Phương
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định: Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025” là minh chứng rõ nét về chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị với các quốc gia tại khu vực cửa ngõ giữa châu Âu và châu Á. Với cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu có tính chất bổ sung lẫn nhau, Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi cùng chia sẻ rất nhiều tiềm năng hợp tác.
Đặc biệt, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Trung Đông-châu Phi trong 10 năm qua đã đi vào chiều sâu và có nhiều bước tiến, hoạt động thương mại có trọng tâm, trọng điểm góp phần khai mở các thị trường mới.
Tần suất trao đổi đoàn, đặc biệt là đoàn cấp cao của Việt Nam với các nước đối tác trong khu vực này đã thể hiện rõ sự coi trọng và quan tâm ngày càng tăng của Việt Nam với khu vực này. Đáng chú ý, khoảng 3 năm trở lại đây, mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi tiếp tục được thúc đẩy phát triển mạnh hơn.
Việc củng cố, nâng cấp các khuôn khổ pháp lý cần được tăng cường để tạo nền tảng thuận lợi cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương thúc đẩy hợp tác cụ thể đối với các nước khu vực này.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới và với “bộ tứ chiến lược” theo Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Việt Nam sẽ cần tiếp tục đột phá trong tìm kiếm hợp tác, đa dạng hóa thị trường, trong đó có khu vực Trung Đông-châu Phi đang còn nhiều dư địa và tiềm năng.