Tổng kết thi hành Luật Công chứng

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng năm 2014. Đồng chí Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Phú Thọ có lãnh đạo Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, sau hơn năm năm triển khai thực hiện, cả nước có 1.151 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 120 Phòng Công chứng và 1.031 Văn phòng công chứng. So với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006 tăng 526 tổ chức. Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 2.782 công chứng viên (gồm 383 công chứng viên của Phòng Công chứng và 2.399 công chứng viên của Văn phòng công chứng). So với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006 tăng 2.157 người. Hoạt động công chứng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm “trung tâm” phục vụ. Các Văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục phát triển góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước.Giai đoạn từ năm 2015-2019, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8.500 tỉ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỉ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1.400 tỉ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1.700 tỉ đồng.Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá những kết quả sau năm năm thi hành Luật Công chứng (giai đoạn từ năm 2015-2019); thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém, xác định nguyên nhân và thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập; đề nghị các biện pháp giải quyết. Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa về vai trò, vị trí, bản chất của hoạt động công chứng để các cá nhân và tổ chức hiểu rõ hơn tính chất quan trọng của hoạt động công chứng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; từ đó chỉ đạo Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu giúp UBND cấp tỉnh trong việc phát triển hoạt động công chứng phù hợp với tình hình phát triển chung của công chứng cả nước; tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương, chú trọng thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng và liên quan đến công chứng; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng kết hợp với việc chuyển một số công việc và dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện.

Quỳnh Chi

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202201/tong-ket-thi-hanh-luat-cong-chung-182273