Tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay

ĐBP - Sáng nay (9/11), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.

Ông Đỗ Xuân Toán, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến tại hội nghị.

Thực hiện Luật Nuôi con nuôi trong giai đoạn 2011-2020, toàn quốc đã giải quyết cho 30.519 trẻ em được làm con nuôi trong nước và nước ngoài. Trong số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được giải quyết cho làm con nuôi trong nước có 3,7% trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng; 17,4% trẻ em ở nơi khác và 78,9% trẻ em sống ở gia đình gốc. Qua số liệu khảo sát cho thấy, 69,5% trẻ em được nhận làm con nuôi phát triển tốt; 21,8% trẻ em có mức độ phát triển bình thường.

Một trong những mục đích quan trọng của Công ước La Hay là hình thành những đảm bảo về vấn đề con nuôi có yếu tố nước ngoài được tiến hành vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã tuân thủ đúng yêu cầu này. Đồng thời tăng cường triển khai các biện pháp nhằm ngăn ngừa những lợi ích bất chính từ vấn đề con nuôi và ngăn chặn các vụ việc trái với mục đích của Công ước. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tư pháp đã cấp giấy phép hoạt động cho 38 tổ chức con nuôi nước ngoài và có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế với 14 nước thành viên Công ước La Hay trên cơ sở 5 điều ước quốc tế và 10 thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi.

Giai đoạn 2011-2020, tỉnh ta đã thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước cho 691 trẻ em. Việc nuôi con nuôi đã được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, không có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nuôi con nuôi. Khó khăn trong việc đăng ký nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh là nhiều người dân do lo sợ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nên không muốn làm thủ tục đăng ký việc nuôi con tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có trường hợp cha hoặc mẹ của trẻ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù, việc lấy ý kiến của những trường hợp này rất khó nên nhiều trẻ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, có người nhận nuôi nhưng không thể thực hiện các thủ tục đăng ký nuôi con nuôi…

Tham gia ý kiến tại hội nghị, ông Đỗ Xuân Toán, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên kiến nghị: Rà soát hệ thống văn bản pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với đặc thù vùng miền, dân tộc; đề nghị Bộ Tư pháp bỏ phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước mà chỉ cần giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi thường trú của cha, mẹ nuôi…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả công tác nuôi con nuôi trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, trong nước và mỗi địa phương có những thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La hay một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực phối hợp, chủ động trao đổi thông tin tăng cường quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi.

Tin, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/191829/tong-ket-thi-hanh-luat-nuoi-con-nuoi-va-cong-uoc-la-hay