Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020
Sáng 23-9, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng (BQP) tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trong Quân đội, giai đoạn 2011-2020. Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng BQP chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng: Trung tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng; Trung tướng Phùng Sĩ Tấn; Trung tướng Ngô Minh Tiến; Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 33 điểm cầu trong toàn quân.
Thông tin từ hội nghị cho thấy, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trong quân đội giai đoạn 2011-2020, chất lượng GD-ĐT trong quân đội có những chuyển biến tích cực, đồng đều trên tất cả các mặt, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Học viên tốt nghiệp ra trường có số lượng, cơ cấu hợp lý, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; có tư duy sáng tạo, có trình độ, kiến thức quân sự, chính trị, khoa học, chuyên môn kỹ thuật, nhất là trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin (CNTT), khả năng tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, hệ thống nhà trường quân đội từng bước được hoàn thiện, đáp ứng quy mô, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho quân đội và phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đội ngũ nhà giáo (NG), cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) được xây dựng, phát triển đủ số lượng, có cơ cấu, độ tuổi phù hợp; có kiến thức, năng lực chuyên môn, phương pháp sư phạm, năng lực nghiên cứu khoa học, kiến thức thực tiễn, trình độ ngoại ngữ, CNTT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đạt chuẩn theo quy định. So với năm 2011, số lượng NG, CBQLGD có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ tương đương IELTS 5.0 trở lên tăng 10,62%. Tỷ lệ NG, CBQLGD có trình độ đại học trở lên tăng 21,7%, trong đó, trình độ sau đại học tăng 19,44%. Cùng với thực hiện tốt công tác đổi mới, hoàn thiện quy trình đào tạo, chương trình đào tạo cũng được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kiến thức mới, ngày càng hoàn thiện theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành, tăng huấn luyện đêm, tập bài, diễn tập sát thực tế huấn luyện, SSCĐ của đơn vị và vũ khí, khí tài, trang bị có trong biên chế; khắc phục sự trùng lặp về kiến thức của một số môn học, bậc học. Hoạt động phương pháp được duy trì có nền nếp, hiệu quả; ứng dụng CNTT, phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại, phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra, khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo được tăng cường; nâng cao chất lượng ngân hàng đề thi, đáp án thi; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra; tổ chức thi, kiểm tra nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy chế, thực hiện dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất kết quả học tập của học viên. Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc. Các đề tài, nhiệm vụ NCKH ngày càng bám sát nhu cầu thực tiễn; đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước và các công bố khoa học tăng về số lượng, chất lượng ngày càng cao. Việc thực hiện chiến lược cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thao trường bãi tập, bảo đảm đầy đủ giáo trình, tài liệu cho các học viện, trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường trong và ngoài quân đội, gắn đào tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa kết hợp với quốc phòng, an ninh; đồng thời tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NG, CBQLGD, xây dựng chế độ chính sách nhằm thu hút, tuyển chọn người có trình độ vào đào tạo và phục vụ trong quân đội… Hội nghị đã xác định phương hướng, mục tiêu và 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD-ĐT trong quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa làm rõ hơn những kết quả đã đạt được trong 10 năm thực hiện chiến lược. Đối với phần phương hướng, đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đề nghị cần xác định rõ hơn chỉ tiêu đặt ra đối với nhà trường cũng như toàn quân; công tác GD-ĐT trong những năm tiếp theo cần được xây dựng theo hướng hiện đại, hội nhập, phát triển con người một cách toàn diện, đồng thời đáp ứng được mục tiêu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp cụ thể trong phát triển GD-ĐT trong quân đội, để công tác này thực sự là quốc sách hàng đầu, đồng thời là biện pháp thực hiện thắng lợi một trong ba khâu đột phá của quân đội.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang tiếp tục nhấn mạnh, làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện chiến lược; đồng thời thay mặt Thường vụ QUTƯ, thủ trưởng BQP ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chiến lược. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển GD-ĐT trong quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đề nghị các học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, để mọi cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ nắm chắc và tích cực thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, QUTƯ, BQP về công tác GD-ĐT, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTƯ ngày 29-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là QUTƯ) về công tác giáo dục trong tình hình mới; Chiến lược phát triển GD-ĐT trong quân đội giai đoạn 2011-2020 của Bộ Quốc phòng; Chỉ thị số 89/CT-BQP của Bộ trưởng BQP về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Cùng với đó, cần tiến hành có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, để học viên tích cực học tập, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi ra trường. Một nhiệm vụ quan trọng khác là phải hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống nhà trường; tăng cường tổng kết thực tiễn công tác huấn luyện, SSCĐ gắn với công tác giáo dục; tăng cường cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tham gia giảng dạy và báo cáo kinh nghiệm thực tế; đẩy mạnh giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các nhà trường và nắm bắt thực tế đơn vị. Ngoài ra, phải không ngừng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; phấn đấu xây dựng các học viện, nhà trường chính quy, vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu, theo mô hình nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với kiến nghị, đề xuất của các học viện, nhà trường, đơn vị, Thượng tướng Phan Văn Giang giao các cơ quan chức năng của BQP tổng hợp, báo cáo thủ trưởng BQP nghiên cứu, giải quyết.