Tổng kết thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020'
Chiều 24-12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về
Chiều 24-12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020”. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí TUV: Mai Thanh Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành liên quan của tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được thực hiện theo quy định của pháp luật. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục tăng qua các năm; số người tham gia BHYT vượt mục tiêu đề ra. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng. Công tác quản lý thu, chi, đầu tư Quỹ BHXH đúng quy định của pháp luật; cơ cấu đầu tư quỹ chuyển dịch theo hướng an toàn; quy mô đầu tư quỹ ngày càng lớn, số dư đầu tư quỹ và lợi nhuận thu từ đầu tư tăng hàng năm. Quỹ BHYT đang dần góp phần giảm mức chi trả của người dân trong chăm sóc sức khỏe. Mức độ hài lòng của người dân về chất lượng BHYT ngày càng nâng cao. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm được cải cách, giảm phiền hà. Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT được chú trọng và tăng cường. Chính sách BHYT, BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,124 triệu người, tăng 10 lần so với năm 2012, đạt tỷ lệ bao phủ 2,2% (vượt 1,2% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28). Số người tham gia BHTN là 13,324 triệu người, tăng 5,05 triệu người so với năm 2012 (tăng 61,7%), đạt 27% lực lượng lao động. Số người tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, vượt mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra, cụ thể: Tính đến hết năm 2020 đã có khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,97% dân số, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác BHYT giai đoạn 2012 - 2020 theo Nghị quyết 21.
Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHXH, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhất là an sinh xã hội. Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với mọi đối tượng. Tập trung tuyên truyền theo hướng giải thích quy định pháp luật, tạo sự an tâm trong xã hội, tạo lòng tin của người dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết 28. Nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan bộ máy cơ quan BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tăng cường quản lý nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài và phương án xử lý thu hồi; gắn quản lý nợ với trách nhiệm của cơ quan BHXH. Tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có nguy cơ trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác triệt để, đồng bộ cơ sở dữ liệu an sinh xã hội trong quản lý BHXH, BHYT; áp dụng phương thức thanh toán KCB tiên tiến; nâng cao hiệu quả công tác giám định công khai, minh bạch, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiêu chí đánh giá cụ thể, công khai, minh bạch gắn trách nhiệm giải trình trong quản lý, đầu tư Quỹ BHXH theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững, đảm bảo tăng trưởng Quỹ BHXH. Thực hiện tốt các giải pháp phát triển BHXH, BHYT, đồng thời với thực hiện các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế - xã hội./.
Tin, ảnh: Việt Thắng