Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết 'Những tấm gương bình dị mà cao quý' lần thứ 13
Sáng 9-6, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết 'Những tấm gương bình dị mà cao quý' lần thứ 13 (năm 2021-2022) và phát động cuộc thi viết lần thứ 14 (2022 -2023).
Chương trình do Báo Quân đội nhân dân (QĐND); Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà xuất bản QĐND và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam phối hợp tổ chức.
Đến dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi; Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức cuộc thi; Tống Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng Trưởng ban tổ chức cuộc thi; Đại tá Đậu Xuân Luận, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà Xuất bản QĐND, đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; Đinh Hoàng Anh, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; các đồng chí đại biểu, đại diện lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Chính trị; đại biểu đại diện hội đồng sơ khảo, hội đồng chung khảo.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết đánh giá: Trong số các tác phẩm dự thi và đoạt giải, có nhiều tác phẩm viết về tấm gương là cán bộ đứng đầu cấp ủy, những đảng viên tiên phong, gương mẫu tâm huyết, trách nhiệm trong lời nói và hành động để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI vào cuộc sống.
Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh: Qua 13 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút đông đảo các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong và ngoài Quân đội tích cực hưởng ứng. Kết quả của cuộc thi ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, Báo QĐND nói riêng. Thông qua cuộc thi năm nay, đã phát hiện, tôn vinh hàng trăm tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đặc biệt, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội tiêu biểu trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học, tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn phòng chống dịch bệnh... được khắc họa đậm nét, góp phần làm lan tỏa hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Quân đội và nhân dân; đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cuộc thi được phát động từ tháng 6 năm 2021 đến hết tháng 4 năm 2022, Ban tổ chức đã nhận được hơn 200 tác phẩm dự thi ở nhiều thể loại báo chí. Báo QĐND đã lựa chọn đăng tải trên các ấn phẩm của báo 146 tác phẩm tiêu biểu. Ban tổ chức đã lựa chọn được 19 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải tặng các tác giả gồm: 2 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba, 10 giải khuyến khích. Năm nay, Ban tổ chức tiếp tục gặp gỡ và tặng quả lưu niệm cho các nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải. Cuộc thi đã thu hút nhiều cây bút chuyên nghiệp của các cơ quan báo chí và đông đảo đội ngũ thông tin viên, cộng tác viên tham gia, nội dung các bài viết đã bám sát sự kiện, bám sát nhân vật, cách thể hiện sinh động, thuyết phục, có sức lan tỏa cao, chất lượng các tác phẩm dự thi tương đối đồng đều.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết đề nghị, thời gian tới, Ban tổ chức cần phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục sáng tạo cách làm mới để tăng cường quảng bá, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng cuộc thi; đầu tư nâng cao chất lượng các tác phẩm; tôn vinh, phát hiện những cá nhân, tập thể thực sự điển hình, có kinh nghiệm hay, mô hình mới, sáng tạo và hiệu quả, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực.
Các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp với trách nhiệm chính trị, xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp, bầu nhiệt huyết, bám sát thực tiễn sinh động của cuộc sống, tiếp tục đồng hành cùng cuộc thi để phát hiện và phản ánh kịp thời, sinh động hơn nữa những tấm gương điển hình tiên tiến trên cả nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, để những tấm gương bình dị mà cao quý ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội.
Tại buổi lễ, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi đã phát động cuộc thi viết lần thứ 14 (năm 2022 -2023).
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh: Là cuộc thi đã kéo dài qua nhiều năm, nhưng càng về sau dường như cuộc thi càng có sức sống mãnh liệt, chất lượng tác phẩm tham dự ngày càng cao, nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Cuộc thi lần thứ 13 đã phát hiện, tôn vinh hàng trăm tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt. Đó là những cán bộ, đảng viên đứng đầu các cấp ủy; tướng lĩnh, cựu chiến binh; doanh nhân, nhà giáo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu...
Các tấm gương điển hình ở mọi vị trí, giai tầng trong xã hội, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng; phòng chống tham nhũng, phòng chống dịch bệnh, nghiên cứu khoa học, hoạt động thiện nguyện, công tác chính sách, tri ân người có công, phát triển kinh tế - xã hội... thể hiện rõ tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ cho biết: “Để việc học tập, làm theo Bác tiếp tục đạt hiệu quả cao, Báo QĐND và các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý lần thứ 14 (năm 2022 - 2023). Tôi vui mừng thông báo, thành phần của Ban tổ chức cuộc thi lần thứ 14 có thêm một cơ quan báo chí có uy tín trong xã hội, đó là Báo Lao Động, cơ quan của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tiếng nói của công nhân, viên chức, người lao động Việt Nam. Hy vọng với sự tham gia của Báo Lao Động, các tấm gương bình dị mà cao quý trên cả nước sẽ được phát hiện nhiều hơn, sớm hơn, báo chí đóng góp tích cực hơn, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội mạnh mẽ hơn”.
Cuộc thi đã đi qua 13 mùa giải, với hàng nghìn cá nhân, tập thể đã được Báo QĐND giới thiệu đến bạn đọc. Họ là những con người bằng xương, bằng thịt, bình dị mà cao quý, vượt lên hoàn cảnh, số phận; dám nghĩ, dám làm; khát khao cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Cuộc thi đã góp phần lan tỏa sâu rộng, nhân lên những giá trị cao đẹp, nhân văn trong cuộc sống, góp thêm một “ngọn lửa” mới cho phong trào thi đua yêu nước; là bước cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bồi đắp những giá trị cốt lõi trong nhân cách con người Việt Nam.
Liên khúc hát múa gồm các ca khúc “Dấu chân phía trước”, “Hoa đất nước”, qua phần thể hiện của các nghệ sĩ, diễn viên đến từ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, đã mở đầu cho Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi.
Phóng sự được phát trong chương trình với chủ đề “Sức lan tỏa của một cuộc thi” đã phản ánh sự hưởng ứng tham gia của hàng trăm tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước với Cuộc thi. Thông qua cuộc thi này đã phát hiện và giới thiệu hàng trăm cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó còn là minh chứng đầy sức thuyết phục rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải điều gì cao xa, khẩu hiệu; mà trên thực tế, việc học và làm theo Bác đang lan rộng, thấm sâu, trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi cá nhân, tổ chức, gia đình và toàn xã hội.
Sau 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Hội đồng giám khảo cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 13 đã quyết định trao 19 giải thưởng, tặng 19 tác giả /nhóm tác giả xuất sắc, gồm: 2 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và 10 giải khuyến khích.
Tác giả đồng giải nhất Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý lần thứ 13” Lê Hữu Trưởng (xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) cho biết: “Với nhiều người dân Việt Nam, huấn luyện viên Mai Đức Chung là gương mặt quen thuộc với những chiến tích ấn tượng giành được cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Thời gian qua, ông cũng xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng vì những đóng góp cho bóng đá Việt Nam trên cương vị cầu thủ và huấn luyện viên. Tuy nhiên, khi viết bài về ông Mai Đức Chung, tôi muốn độc giả có góc nhìn khác về một con người bình dị, luôn nhận phần thiệt về mình. Trước mỗi trận đấu, giải đấu, ông động viên các học trò của mình bằng cách tuyên bố nhận tất cả những chỉ trích, phàn nàn, trách nhiệm nếu đội nhà thi đấu không tốt. Ông luôn có một mong ước cháy bỏng là được thấy những cầu thủ nữ có được gia đình hạnh phúc, công việc ổn định sau khi giải nghệ. Trong cuộc sống, ông là người giản dị, sống hòa đồng và luôn vui lòng giúp đỡ mọi người. Trước và sau khi nổi tiếng, cuộc sống của ông vẫn không có nhiều thay đổi vì ông luôn là người trọng tình cảm, sống trước sau như một”.
“Sau khi biết tin đoạt giải nhất, tôi rất vui và bất ngờ. Vui vì tấm gương bình dị mà cao quý Mai Đức Chung được nhiều người biết đến và noi theo. Bất ngờ vì dù viết về nhân vật đặc biệt, nhưng cách thể hiện trong bài viết của tôi chưa đặc biệt. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho cá nhân tôi-một cây viết trẻ đang trong hành trình tìm tòi và trưởng thành”, tác giả Lê Hữu Trưởng bày tỏ.
Ban tổ chức mong muốn Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan đơn vị, bạn đọc, bạn viết trong cả nước. Và hy vọng, cuộc thi viết lần thứ 14 tiếp tục nhận được nhiều bài viết tham dự của các tác giả.
Danh sách các tác giả và tác phẩm đoạt giải
I. Giải nhất
1. Lê Hữu Trưởng, Hà Nội với tác phẩm “Mai Đức Chung-Huấn luyện viên luôn nhận phần thiệt về mình”.
2. Vũ Thị Hằng, Hà Nội với tác phẩm “Anh hùng Lao động Thái Hương: Khát vọng đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”.
II. Giải nhì
1. Trần Hoàng Tiến, Nguyễn Tấn Tuân, Vũ Phúc Thắng, Phạm Hoàng Hà, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) với tác phẩm “Người thắp sáng niềm tin nơi cửa ngõ Tây Bắc”.
2. Nguyễn Bá Hiên, Trần Minh Mạnh, Báo QĐND với tác phẩm “Đại tá Đinh Văn Nơi dám nói, dám làm”.
3. Trần Huyền Anh, Trần Việt Anh, Báo QĐND và CTV với tác phẩm “Má Ba một mình nhưng không cô đơn”.
III. Giải ba
1. Đỗ Phú Thọ, Cơ quan Tổng cục Chính trị với tác phẩm “Lòng nhân hậu của cô giáo Hậu”.
2. Nguyễn Việt Hà, Báo QĐND với tác phẩm “Sắc nắng nơi “sương mù”.
3. Lê Quang Hồi, Nguyễn Thị Dung, Báo QĐND và CTV với tác phẩm “Người đàn ông “gàn dở” và “hạt vàng 36” trên cao nguyên đỏ”.
4. Kim Huệ, Báo Nhân Dân với tác phẩm “Trung tá “một vai hai việc”.
IV. Giải khuyến khích
1. Phạm Kiên, Báo QĐND với tác phẩm “Chị Huyền “dân vận khéo”.
2. Kiều Bình Định, Báo QĐND với tác phẩm “Bí thư Tâm ở Cư Pui”.
3. Đoàn Thu Thảo, Hà Nội với tác phẩm “Kỹ sư trẻ đưa máy bay không người lái vào nông nghiệp”.
4. Vũ Trà My, Hà Nội với tác phẩm “Hùng Trần ở thung lũng Silicon”.
5. Trần Công Huyền, Hà Nội với tác phẩm “Ông Mạnh thanh liêm”.
6. Nguyễn Viết Lam, Báo Biên phòng với tác phẩm “Bí thư lão làng ở bản Tùng Hương”.
7. Phạm Thu Thủy, Báo QĐND với tác phẩm “Người thầy 20 năm dạy học miễn phí”.
8. Nguyễn Thị Thu Hà, Báo Biên phòng với tác phẩm “Cậu bé Vân Kiều giúp Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19”.
9. Hoàng Hoa Lê, Báo QĐND với tác phẩm “Người Bí thư gương mẫu đi đầu”.
10. Đặng Trung Kiên, Báo QĐND với tác phẩm “Người Việt trẻ “định vị” toàn cầu”.
Một số hình ảnh tại lễ tổng kết và trao giải:
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao giải nhất cho các tác giả đoạt giải.
Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND trao giải nhì cho các tác giả đoạt giải
Đồng chí Tống Văn Thanh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) trao giải ba cho các tác giả đoạt giải.
Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tặng hoa cho các nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải.