Tổng Kiểm toán Nhà nước: Chúng tôi kiên quyết loại bỏ những 'con sâu' trong ngành

Tổng Kiểm toán Nhà nước thừa nhận có việc như đại biểu nêu khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì gợi ý chia chác để bỏ qua, nhưng cho rằng đây chỉ là những 'con sâu làm rầu nồi canh', sẽ kiên quyết loại bỏ.

Sáng 5/6, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đăng đàn trước Quốc hội để trả lời các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kiểm toán.

Đây là lần đầu ông Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn.

Nhóm vấn đề được chất vấn gồm: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước. Giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Bộ trưởng KH&ĐT, Tài chính, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trong báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, đến tháng 12/2023, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 31.719 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 92%; kiến nghị khác là hơn 30.566 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 83%.

Ngoài ra, đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm gần 10.303 tỷ đồng.

Các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.

Diễn biến
Ảnh
Video

Mới nhất
Cũ nhất

Mới nhất Cũ nhất

05/06/2024 | 11:19

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần đảm bảo kỷ luật kỷ cương tài chính Nhà nước; quản lý sử dụng có hiệu quả tài chính, tài sản công; giúp Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Chất vấn của các Đại biểu Quốc hội rất cụ thể, bám sát nội dung chất vấn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn rõ ý, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề Đại biểu Quốc hội đặt ra.

Đã có 35 đại biểu đăng ký và đã được phát biểu chất vấn, trong đó có 1 ý kiến tranh luận. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan.

Thu gọn

05/06/2024 | 10:53

Trong quá trình kiểm toán độc lập SCB có những thiếu sót, sai phạm, các cơ quan đã điều tra, xử lý vụ án

Được mời “chia lửa” với Tổng Kiểm toán Nhà nước về vụ Ngân hàng SCB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, với nguyên tắc, phạm vi thực hiện, “nơi nào có tài sản Nhà nước, nơi đó có hoạt động kiểm toán”.

“Kiểm toán Nhà nước mặc dù không kiểm toán Ngân hàng SCB nhưng cũng đã kiến nghị và lưu ý về trường hợp ở SCB”, ông Hồ Đức Phớc cho hay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH

Về kiểm toán độc lập, trong giai đoạn 2012 – 2016, Ngân hàng SCB đã thuê công ty kiểm toán nước ngoài thực hiện. Đến giai đoạn 2017 – 2019 và 2020 – 2022, cũng là hai công ty kiểm toán nước ngoài thực hiện.

Theo ông Hồ Đức Phớc, trong quá trình thực hiện kiểm toán có những thiếu sót, sai phạm, các cơ quan đã điều tra, xử lý vụ án. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập, phục vụ cho việc kiểm toán của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.

Thu gọn

05/06/2024 | 10:20

Vụ Ngân hàng SCB, trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp kiểm toán độc lập cho ngân hàng này

ĐBQH Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đánh giá cao nỗ lực và kết quả thực hiện của Kiểm toán Nhà nước. Đây là công cụ hữu hiệu của Quốc hội trong quản lý ngân sách, tài sản Nhà nước. Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết mức độ sai phạm trong quản lý công sản, kể cả đất đai, trụ sở, tài nguyên khoáng sản, nguồn nước như thế nào? Kiểm toán Nhà nước có đề xuất, kiến nghị gì với Quốc hội về nội dung này?

ĐBQH Tạ Thị Yên. Ảnh: QH

ĐBQH Tạ Thị Yên. Ảnh: QH

Trả lời ĐBQH Tạ Thị Yên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, kiểm toán môi trường, tài nguyên, khoáng sản là lĩnh vực mới, Kiểm toán Nhà nước bắt đầu thực hiện thông qua trợ giúp của cơ quan Kiểm toán công chứng Canada. Kiểm toán Nhà nước cũng đã có chuyên đề kiểm toán về pháp luật khoáng sản, đất đai, đã chỉ rõ bất cập hạn chế từ việc chấp hành quy hoạch, cấp phép đến xử lý tài chính, nghĩa vụ ngân sách.

ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu: Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp để giải quyết chồng chéo từ khi xây dựng kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, vẫn còn hiện tượng chồng chéo đối tượng, hoặc nội dung giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra địa phương. Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, cách khắc phục việc chồng chéo trong thanh tra giữa các đơn vị trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời, ông Ngô Văn Tuấn cho biết, công tác xử lý chồng chéo được đặc biệt quan tâm, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2019 đã bổ sung quy định, nguyên tắc về xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo. Luật Thanh tra 2022 mới được thông qua cũng quy định về xử lý và hạn chế chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán.

Thực tế 2 ngành phối hợp chặt chẽ, từ năm 2020 có quy chế phối hợp cụ thể để hạn chế chồng chéo, từ khâu lập kế hoạch, triển khai thanh tra, kiểm toán và xử lý chồng chéo trong quá trình thanh tra, chia sẻ dữ liệu và đôn đốc thực hiện kết quả thanh tra, kiểm toán.

ĐBQH Mai Văn Hải nêu: Vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Nhiều công ty kiểm toán đã thực hiện kiểm toán SCB, tuy nhiên không phát hiệu dấu hiệu bất thường. Nhiều cử tri đặt câu hỏi về trách nhiệm, vai trò của hoạt động kiểm toán.

Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, câu hỏi của ĐBQH Mai Văn Hải liên quan kiểm toán độc lập sẽ được Bộ trưởng Tài chính trả lời sau.

Trả lời sau đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, vụ việc ở Ngân hàng SCB bị truy tố và được xét xử với 3 tội danh: Thao túng thị trường chứng khoán, Chiếm đoạt tài sản, Nhận và đưa hối lộ. Ngân hàng này không thuộc đối tượng, không thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước mà thuộc phạm vi kiểm toán độc lập. Bởi vì Ngân hàng SCB là công ty đại chúng nên buộc phải kiểm toán độc lập. Trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp kiểm toán độc lập cho ngân hàng này.

Thu gọn

05/06/2024 | 10:15

Ở đâu đó vẫn thấp thoáng căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong công cuộc phòng chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước có vai trò và trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong việc tham gia phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, trong những năm qua, đất nước ta đã đạt được thành tựu rất lớn trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Nhưng ở đâu đó vẫn thấp thoáng căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh.

“Với vị trí là người đứng đầu một trong những cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, mong Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết phải làm gì để xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng. Cương quyết đưa cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đi đến thắng lợi, nhưng mặt khác vẫn nuôi dưỡng được niềm tin, vẫn thắp sáng được ngọn lửa nhiệt huyết, vẫn bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm và mong muốn được cống hiến cho đất nước”, bà Mai nói.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: QH

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: QH

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói: “Câu hỏi của đại biểu thực sự là khó. Nhưng với sự hiểu biết hạn chế của mình tôi cố gắng nêu quan điểm cá nhân”.

Theo ông Tuấn, trước hết là làm sao tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà không giảm tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức.

Ông Tuấn cho rằng, để đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tiêu cực thì phải xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng. Xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh để không dám tham nhũng. Đồng thời phải xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn và không cần tham nhũng. "Có như vậy công tác phòng chống tham nhũng mới hiệu quả", ông Tuấn nói.

Về việc đùn đẩy né tránh, sợ trách nhiệm, ông Ngô Văn Tuấn cho rằng, có 3 nguyên nhân. Thứ nhất thuộc về ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Thứ hai là về trình độ, năng lực chưa theo kịp yêu cầu. Thứ ba là thuộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, nâng cao trình độ năng lực và đặc biệt phải hoàn thiện thể chế để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng công chức. Trong đó quy định công chức ngồi vào mỗi vị trí thì phải làm gì, không được làm gì, qua đó gắn với quyền lợi.

Thu gọn

05/06/2024 | 10:00

Có việc đòi chia khoản tiền sai phạm để bỏ qua sai phạm?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho biết, có ý kiến cho rằng, mặc dù có nhiều cố gắng của ngành, nhưng đâu đó vẫn có hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên Nhà nước trong hoạt động kiểm toán. Phổ biến là khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì vòi vĩnh, gợi ý, chia chác khoản tiền sai phạm để bỏ qua sai phạm theo phương châm đôi bên cùng có lợi.

“Vậy, quan điểm của Tổng Kiểm toán Nhà nước với ý kiến này thế nào? Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, có cần xây dựng cơ chế thanh tra, giám sát độc lập, thường xuyên hoạt động của kiểm toán ngoài thanh tra của ngành để bảo đảm quyền lực của Kiểm toán Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ nhằm xây dựng Kiểm toán Nhà nước trong sạch, liêm chính”, ông Thắng nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, đồng thời thừa nhận là có nhưng rất ít, đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. “Chúng tôi kiên quyết loại bỏ những con sâu này để giữ được đạo đức, chuẩn mực”, ông Tuấn nói.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong luật đã quy định rõ về các hành vi không được làm của kiểm toán viên; trong ngành còn có quy định về đạo đức công vụ. Thời gian tới, ngành kiểm toán sẽ rà soát, hoàn thiện văn bản để kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của các cá nhân trong thực hiện công vụ.

Thu gọn

05/06/2024 | 09:50

Mới chuyển 19 vụ việc sang cơ quan điều tra, chúng tôi tự nhận đó là tồn tại, hạn chế

Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Yến Nhi, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong báo cáo 559, Kiểm toán Nhà nước đã tự nhận thấy việc chủ động chuyển 19 vụ việc trong 5 năm so với 1.609 hồ sơ tài liệu theo yêu cầu là còn ít. “Chúng tôi tự nhận đó là tồn tại, hạn chế”, ông Tuấn nói.

Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Tuấn nêu phải áp dụng các giải pháp để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, kịp thời phát hiện sai phạm, thu thập bằng chứng, kịp thời chuyển cho cơ quan điều tra.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: QH

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: QH

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói: "Như tôi đã báo cáo, Tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An đều là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước. Thành ra họ không thuộc đối tượng được kiểm toán.

Thế nhưng họ có đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán. Riêng về Phúc Sơn, bị khởi tố liên quan đến việc chấp hành pháp luật về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, việc này hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, còn Thuận An vi phạm pháp luật về đấu thầu.

Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là đánh giá sự tuân thủ pháp luật và nội quy quy chế được kiểm toán. Chúng tôi trên cơ sở hồ sơ tài liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp (chủ đầu tư, nhà thầu), từ đó rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện pháp luật và cũng đưa ra các kiến nghị".

Để kiểm toán tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, thuật ngữ "kiểm toán điều tra" đã được đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của hiệp hội cơ quan kiểm toán quốc tế - các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI). Sau gần 80 năm mới dừng ở mức độ tranh luận xem kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra hay không, có nên đi đến cùng hành vi phạm tội, truy tố.

Hiện nay có rất ít các cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước phát triển thực hiện chức năng này. INTOSAI chưa bao giờ có hướng dẫn về việc này.

"Dưới góc độ Kiểm toán Nhà nước, chúng tôi cố gắng hoàn thành và làm tròn chức năng đánh giá xác nhận, kết luận kiến nghị theo quy định của pháp luật, theo đúng kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "đúng vai, thuộc bài", "thuộc bài, đúng vai" thì không bao giờ sai", ông Tuấn nói.

Thu gọn

05/06/2024 | 09:28

Có sự cấu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước với một số cán bộ

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho rằng, các vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An và nhiều vụ án tham nhũng khác cho thấy có sự cấu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước với một số cán bộ công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của Nhà nước.

Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước không thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước như Tổng Kiểm toán đã có giải trình, nhưng những vụ việc này đều có liên quan đến sử dụng tài chính công, tài sản công, liên quan đến dự án đầu tư công.

“Vì vậy, đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua các vụ việc này, Tổng Kiểm toán có kiến nghị gì để Kiểm toán Nhà nước có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian tới”, đại biểu đoàn Quảng Bình nêu câu hỏi.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi tranh luận: "Tôi có nêu việc kiểm toán đã chuyển 19 vụ việc qua cơ quan Cảnh sát điều tra, bản thân tôi không nhận định chủ quan con số này là thấp hay ít, bởi nó không phản ánh vấn đề.

Kiểm toán Nhà nước chỉ chuyển qua cơ quan Cảnh sát điều tra đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Tại báo cáo 599 ở trang 4, trong phần tự nhận xét các tồn tại, hạn chế, báo cáo có nêu kết quả kiểm toán có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Kiểm toán Nhà nước phát huy vai trò, hiệu quả chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế. Trong báo cáo Kiểm toán Nhà nước tự nhận thấy còn hạn chế, từ đó tôi mới đặt vấn đề Kiểm toán Nhà nước có giải pháp gì trong thời gian tới".

Thu gọn

05/06/2024 | 09:16

5 năm đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu: Báo cáo số 599 của Kiểm toán Nhà nước có nêu Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý và tự đánh giá hiện Kiểm toán Nhà nước chỉ phát huy vai trò hiệu quả chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, hạn chế này nguyên nhân do đâu? Định hướng giải pháp gì để khắc phục?

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi tham gia chất vấn. Ảnh: QH

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi tham gia chất vấn. Ảnh: QH

ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai) nêu: Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm của các doanh nghiệp. Trong trường hợp khi kiểm toán vào thực hiện kiểm toán không phát hiện ra sai phạm nhưng các cơ quan khác lại phát hiện ra sai phạm thì trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước sẽ như nào. Xử lý trách nhiệm của cá nhân hay Kiểm toán Nhà nước?

ĐBQH Hà Đức Minh. Ảnh: QH

ĐBQH Hà Đức Minh. Ảnh: QH

Trả lời ĐBQH Yến Nhi, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: "Trong 5 năm qua, từ năm 2019-2023, kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án.

Với phương châm rất thận trọng, "phải chín, phải rõ" thì mới chuyển nhưng không có nghĩa là vai trò phòng chống tham nhũng của kiểm toán hạn chế đi. Vì một trong những nhiệm vụ chúng tôi hết sức coi trọng là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Trong 5 năm qua, kiểm toán đã cung cấp 1.609 hồ sơ báo cáo tài liệu cho các cơ quan thanh tra kiểm tra. Như vậy, không có nghĩa chúng tôi không chuyển thì không có tác dụng mà đây là những tài liệu đầu vào giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh, hiệu quả hơn việc điều tra xét xử các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.

Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp tài liệu đầy đủ hơn, gắn với theo dõi, đôn đốc, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán để phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực".

Trả lời ĐBQH Hà Đức Minh, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, điều 68 Luật Phòng chống tham nhũng tiêu cực nêu rất rõ: Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành, không phát hiện ra sai phạm, đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kỳ kiểm toán mà phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm. Nếu có lỗi thì phải xử lý tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính. Khi phát hiện sai phạm phải làm rõ trách nhiệm của ai để xử lý.

Thu gọn

05/06/2024 | 09:08

Đã kiểm toán, nhưng sau đó vẫn phát hiện sai phạm

Nêu chất vấn, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) cho biết, vừa qua, tại một số dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán, nhưng sau đó cơ quan vẫn phát hiện sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Tổng Kiểm toán Nhà nước lý giải như thế nào về vấn đề này? Giải pháp khắc phục trong thời gian tới thế nào?

Đại biểu Trịnh Minh Bình

Đại biểu Trịnh Minh Bình

Đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) nêu, từ các vụ án xảy ra cho thấy công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm. Đặc biệt, Trung ương đã ban hành quyết định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

“Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua được thực hiện như thế nào?”, đại biểu Tao Văn Giót hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Tuấn cho biết, trong thời gian vừa qua có một số vụ án lớn liên quan đến việc đấu thầu. Cụ thể đó là vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu.

“Tôi khẳng định hai đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước nên họ không phải là đơn vị được Kiểm toán Nhà nước. Xét về giác độ đơn vị có liên quan thì họ liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với tư cách là nhà thầu”, ông Ngô Văn Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước kiểm toán ở đơn vị, chủ đầu tư và ban quản lý dự án. Trong quá trình đó, kiểm toán 3 nội dung thuộc lĩnh vực của kiểm toán Nhà nước.

Thứ nhất là xác định, đánh giá tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính.

Thứ hai là đánh giá, xác nhận việc tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ bản.

Thứ ba là xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công.

Ông Tuấn cho biết, trong việc kiểm toán, chấp hành pháp lệnh về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu, đơn vị được kiểm toán là ban quản lý dự án và chủ đầu tư cung cấp thì kiểm toán thu thập bằng chứng để phục vụ cho kết luận của mình về tính trung thực, tính đúng đắn của báo cáo tài chính.

“Chính vì thế, trong quá trình kiểm toán độc lập, chúng tôi sẽ xem xét toàn bộ quá trình. Riêng về lựa chọn nhà thầu sẽ xem là việc gọi thầu có đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Trong quá trình kiểm toán, chúng tôi đã chỉ ra những sai sót và có kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan”, ông Tuấn nói thêm.

Thu gọn

05/06/2024 | 09:05

Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn bắt đầu trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn bắt đầu trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn dành 5 phút khái quát công việc ngành kiểm toán thực hiện trong thời gian qua.

Cụ thể, về vấn đề chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm toán luôn được Kiểm toán Nhà nước quan tâm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để khắc phục, hạn chế tối đa ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước. Qua đó, kịp thời phối hợp xử lý các trường hợp phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra.

Theo ông Ngô Văn Tuấn, với chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra sai phạm trong từng khâu, từng thời điểm giúp đơn vị có sai sót chấn chỉnh kịp thời, có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, hàng năm Kiểm toán Nhà nước cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan chức năng để xem xét thanh tra, kiểm tra và giám sát các đơn vị theo chức năng và thẩm quyền.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán Nhà nước được Kiểm toán Nhà nước đặc biệt coi trọng. Kiểm toán Nhà nước luôn quan tâm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ đi đôi với rèn luyện phẩm chất của người Kiểm toán viên Nhà nước.

Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán để ngăn chặn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những hành vi tiêu cực.

Thu gọn

05/06/2024 | 09:00

Chất vấn tập trung 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn thuộc lĩnh vực kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất, đó là trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm.

Thứ hai là việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán Nhà nước.

Thứ ba là giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Thu gọn

Dữ liệu đang được cập nhật!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-tai-chinh-qua-trinh-kiem-toan-doc-lap-ngan-hang-scb-co-sai-pham-2287998.html