Tổng Kiểm toán Nhà nước: Kiên quyết loại bỏ những 'con sâu làm rầu nồi canh'
Trả lời chất vấn ĐBQH về vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong ngành, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, kiên quyết loại bỏ những 'con sâu làm rầu nồi canh'.
Nhiều kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện, kéo dài
Ngày 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - đoàn Quảng Ninh cho biết, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được nêu trong báo cáo khá ấn tượng, nhất là việc thực hiện các kiến nghị tài chính. Đối với kiến nghị Kiểm toán nhà nước năm 2022 đã đạt được tỷ lệ 92% kết quả xử lý tài chính về việc tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước và 83% kiến nghị khác.
Tuy nhiên, còn khá nhiều các kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện kéo dài qua nhiều năm; trong đó kiến nghị tài chính đến 31/12/2023 còn 67.513 tỷ đồng chưa được thực hiện; kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách còn 172 nội dung văn bản chưa được sửa đổi; kiến nghị về trách nhiệm tập thể, cá nhân còn 115 báo cáo kiểm toán có kiến nghị chưa được thực hiện.
Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán cho biết nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế này và trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào? Kiểm toán nhà nước đã có những giải pháp gì để khắc phục, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính sử dụng ngân sách?.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - đoàn Quảng Trị chất vấn, có ý kiến cho rằng, mặc dù có nhiều cố gắng của ngành nhưng đâu đó vẫn có những hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán mà phổ biến là khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì vòi vĩnh, gợi ý chia trác khoản tiền sai phạm đó để bỏ qua sai phạm theo phương châm đôi bên cùng có lợi.
"Vậy quan điểm của Tổng Kiểm toán với ý kiến này như thế nào và theo Tổng Kiểm toán có cần xây dựng một cơ chế thanh tra, giám sát độc lập thường xuyên hoạt động của kiểm toán ngoài thanh tra của ngành để bảo đảm quyền lực của Kiểm toán Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ nhằm xây dựng Kiểm toán Nhà nước trong sạch, liêm chính, xứng đáng với niềm tin yêu trao gửi của Quốc hội và Nhân dân" - đại biểu đặt vấn đề.
Kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực
Trả lời chất vấn đại biểu Thu Hà - Đoàn Quảng Ninh, ông Ngô Văn Tuấn - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, nguyên nhân của những kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện thuộc về 4 nhóm nguyên nhân, trong đó, khoảng 59,46% thuộc về đơn vị được kiểm toán, 24% thuộc về bên thứ ba, 16% thuộc về nguyên nhân khác và 0,4% thuộc về kiểm toán. Về trách nhiệm, trước hết là thuộc về đơn vị.
Theo Nghị quyết 74 của Quốc hội, những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và kỷ cương, kỷ luật tài chính nói chung thì ngoài nguyên nhân về vướng mắc về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức, cơ bản là vướng ở khâu tổ chức thực hiện, thể hiện ở việc: Ý thức, tinh thần trách nhiệm; trình độ, năng lực; tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm; vai trò người đứng đầu; công tác phối hợp.
Về giải pháp, dưới giác độ của Kiểm toán Nhà nước, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ quyết tâm, quyết liệt để nâng cao kết luận kiến nghị kiểm toán, làm sao kiến nghị thật đúng, thật trúng để cho đơn vị thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, tăng cường việc đôn đốc công khai và chúng tôi đã công khai đầy đủ tất cả các danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kết luận kiểm toán trên trang web của Kiểm toán Nhà nước.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan. Riêng với đơn vị được kiểm toán, chúng tôi đề nghị phải phát huy vai trò của người đứng đầu. Ở đâu những người đứng đầu có quan tâm, có quyết tâm thì ở đó, tỷ lệ thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán sẽ đạt như mong muốn.
Về câu hỏi của đại biểu Hoàng Đức Thắng về tham nhũng, tiêu cực trong ngành, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn thừa nhận có nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” và chúng tôi kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức, chuẩn mực.
Trong luật đã quy định rất rõ về những hành vi không được làm, nghiêm cấm của Kiểm toán Nhà nước và trong hoạt động của mình, kiểm toán còn có chuẩn mực về đạo đức công vụ.
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để làm sao kiểm soát chặt chẽ được hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.
Với cơ chế hiện tại trong hoạt động kiểm toán và quy trình, quy chế, nhất là về kiểm soát phòng, chống tham nhũng của ngành, ông Tuấn cho rằng, đã tương đối đầy đủ, từ vai trò, trách nhiệm của từng kiểm toán viên và khi đi hoạt động kiểm toán thì kiểm toán viên phải ghi nhật ký điện tử từng ngày và chuyển về cơ sở dữ liệu của Trung ương cho Vụ Kiểm soát chất lượng theo dõi và thanh tra, kiểm toán theo dõi.
"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra, kiểm toán, thanh tra công vụ... làm sao kiểm soát thật chặt chẽ, công tâm, khách quan hoạt động này" - ông Tuấn nói.