Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời về phòng chống tham nhũng trong kiểm toán

Sáng 5-6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin đã có 57 đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn.

 Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn sẽ trả lời chất vấn về trách nhiệm, giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm. Cùng với đó là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động KTNN; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán.

Các bộ trưởng KH-ĐT, Tài chính, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

 Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo báo cáo của KTNN, kết quả kiểm toán thời gian qua của KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán, như: công tác quản lý, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ còn hạn chế; việc xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT có nhiều bất hợp lý...

Trong 5 năm gần nhất (từ năm 2019 đến năm 2023), KTNN đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán (BCKT), đã kiến nghị 331.367,4 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 30.539,6 tỷ đồng; giảm chi NSNN 96.183,8 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng).

KTNN đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.

Kết quả kiểm toán trong những năm gần đây cho thấy việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế.

Trong đó, tình trạng còn sai sót trong hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN vẫn diễn ra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được kiểm toán; việc quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; còn tình trạng vật tư tồn kho lâu ngày, kém phẩm chất, chậm luân chuyển; đầu tư, sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả.

 Đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, KTNN đã đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ ngành.

Cùng với đó, tăng cường các cuộc thanh tra công vụ, kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất các cuộc kiểm toán; đồng thời triển khai đầy đủ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từ việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, kê khai thu nhập, tài sản của công chức và trong công tác cán bộ theo quy định.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tong-kiem-toan-nha-nuoc-ngo-van-tuan-tra-loi-ve-phong-chong-tham-nhung-trong-kiem-toan-post743085.html