Tổng kiểm toán Nhà nước nói gì về trách nhiệm trong vụ Ngân hàng SCB?

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết Ngân hàng SCB không thuộc đối tượng kiểm toán của cơ quan này

Tham gia chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn ngày 5-6 tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nêu vừa qua vụ án ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) có nhiều công ty đã thực hiện kiểm toán nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường. Từ đó, vị đại biểu chất vấn Tổng KTNN về trách nhiệm của cơ quan này trong vụ việc liên quan SCB.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Trả lời đại biểu, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nêu rõ vụ án xảy ra ở Ngân hàng SCB không liên quan đến trách nhiệm của KTNN, vì không thuộc đối tượng kiểm toán của cơ quan này. Theo ông Ngô Văn Tuấn, Ngân hàng SCB là công ty đại chúng nên thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập, nghĩa là các công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.

Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ thêm nội dung này. Theo Bộ trưởng, kiểm toán hiện chia thành hai nhánh, gồm hệ thống KTNN và kiểm toán độc lập.

Theo luật định, KTNN sẽ kiểm toán tài sản công, tài chính công. Hệ thống kiểm toán độc lập hoạt động theo Luật Kiểm toán độc lập, tức là họ cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính, dự án đầu tư... cho các đơn vị, doanh nghiệp khi có nhu cầu qua hợp đồng. Hiện có các doanh nghiệp kiểm toán độc lập trong nước, kiểm toán viên độc lập, hay doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam.

Liên quan tới Ngân hàng SCB, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ KTNN khi thực hiện kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã đưa ra kiến nghị, lưu ý về hoạt động của SCB.

Về kiểm toán độc lập với ngân hàng này, theo Bộ trưởng, từ năm 2012 - 2022, tùy theo từng giai đoạn, Ngân hàng SCB thuê các công ty kiểm toán nước ngoài thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, như EY, Deloitte và KPMG.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh liên quan đến việc thực hiện kiểm toán độc lập với SCB, đã xảy ra các thiếu sót, sai phạm, cơ quan điều tra đã điều tra, làm rõ và xử lý.

Nêu rõ hơn về kiểm toán độc lập, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định Bộ Tài chính không trực tiếp kiểm toán mà chỉ quản lý chất lượng dịch vụ kiểm toán. Theo đó, Bộ Tài chính quản lý chất lượng kiểm toán thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, ban hành chiến lược, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kiểm toán này.

Năm 2023, Bộ Tài chính đã kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán độc lập, trong đó 11 đơn vị đạt yêu cầu, 7 không đạt và 1 doanh nghiệp bị đánh giá yếu kém. Trong 62 hồ sơ kiểm toán được bộ này kiểm tra, có 16 hồ sơ đạt, 26 không đạt và 20 hồ sơ yếu.

Bộ Tài chính đã đình chỉ 7 kiểm toán viên, nhắc nhở 21 kiểm toán viên và phê bình các công ty kiểm toán yếu kém, không đạt. Bộ trưởng khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập.

Minh Chiến - Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tong-kiem-toan-nha-nuoc-noi-gi-ve-trach-nhiem-trong-vu-ngan-hang-scb-196240605115611127.htm