Tổng kiểm tra thị trường y tế, yêu cầu nhà khoa học cam kết không phóng đại tính năng sản phẩm
Trong bối cảnh thị trường y tế đang đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tinh vi và phức tạp, Bộ Y tế đã lập 15 tổ kiểm tra trên toàn quốc, tập trung vào thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, thiết bị y tế...
Đây được xem là bước đi quyết liệt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và khôi phục niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường y tế.
Cảnh báo đỏ về sản phẩm y tế giả, kém chất lượng
Công điện số 55/CĐ-TTg và 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình trạng buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã đến mức báo động.
Thực tế, thời gian qua, các vụ việc liên quan đến thuốc giả, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, sữa kém chất lượng liên tục bị phát hiện tại nhiều địa phương. Đáng lo ngại, những sản phẩm này lại nằm trong nhóm được tiêu dùng rộng rãi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em và bệnh nhân mắc bệnh mãn tính.

Lực lượng công an phát hiện nhiều loại thuốc giả.
Các thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi từ nhái mẫu mã bao bì, mạo danh thương hiệu lớn, đến việc giả mạo giấy phép lưu hành. Thậm chí, một số sản phẩm đã được đưa vào các hiệu thuốc, cơ sở khám, chữa bệnh, làm gia tăng nguy cơ điều trị sai, tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Bên cạnh đó, nhiều loại mỹ phẩm giả, không đạt chất lượng như công bố, đặc biệt là thiết bị y tế trôi nổi, gắn mác nhập khẩu nhưng thực chất không rõ nguồn gốc là vấn đề nhức nhối tại nhiều bệnh viện và phòng khám tư nhân.
Nguy cơ từ thuốc cổ truyền giả, dược liệu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém cũng vô cùng nghiêm trọng, trong bối cảnh một số cơ sở y học cổ truyền hoạt động không phép, kê đơn vô tội vạ, kinh doanh thuốc không kiểm định, đã trở thành "vùng xám" đầy rủi ro. Nhiều vị thuốc không rõ nguồn gốc nhập lậu qua biên giới, khiến thị trường thuốc cổ truyền hỗn loạn, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, thậm chí tử vong nếu sử dụng dài ngày.
Chính vì thế, Bộ Y tế đã mở đợt cao điểm kiểm tra kéo dài từ 15/5 đến 15/6/2025 với việc thành lập 15 tổ kiểm tra trên toàn quốc.
Trong đó, Cục Quản lý Dược thành lập 5 tổ kiểm tra về dược, mỹ phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm.
Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thành lập 2 tổ kiểm tra về thuốc cổ truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, phòng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Cục An toàn thực phẩm thành lập 5 tổ kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, sữa, thực phẩm chức năng.
Cục Hạ tầng & Thiết bị y tế thành lập 3 tổ kiểm tra về trang thiết bị y tế tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế.

Thực phẩm chức năng giả bị phát hiện, thu giữ ở Thanh Hóa.
Kiểm soát hoạt động quảng cáo và trách nhiệm của giới chuyên môn
Việc một số chuyên gia y tế "tiếp tay" cho các sản phẩm kém chất lượng thông qua việc quảng cáo, giới thiệu trên các nền tảng truyền thông đã gây hoang mang cho người dân và làm suy giảm lòng tin vào ngành y.
Vì thế, hoạt động quảng cáo sai sự thật, sử dụng uy tín của giới chuyên môn để tiếp tay cho sản phẩm kém chất lượng bị đưa vào diện kiểm tra trọng tâm đợt này, với kỳ vọng sẽ giúp chấn chỉnh thực trạng "lạm dụng uy tín" để quảng bá các sản phẩm chưa được kiểm chứng.
Một điểm nhấn quan trọng trong Kế hoạch kiểm tra của Bộ Y tế là yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ các tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.
Song song với các đoàn kiểm tra, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố thành lập các đoàn thanh tra cấp địa phương, đồng thời, phối hợp với công an, quản lý thị trường để kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm. Bộ Y tế cũng phát động phong trào nhân dân giám sát và tố giác các hành vi buôn bán hàng giả qua báo chí, mạng xã hội.
Bộ Y tế kỳ vọng thông qua các hoạt động kiểm tra quyết liệt và đồng bộ, sẽ từng bước đẩy lùi và chấm dứt tình trạng hàng giả trong lĩnh vực y tế. Kết quả thực hiện sẽ làm cơ sở để đánh giá, điều chỉnh chính sách quản lý ngành trong giai đoạn tiếp theo.