Tổng lãnh sự Hà Lan: Năng lượng và sự lạc quan tràn ngập TP.HCM
Tân Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM Daniel Coenraad Stork chia sẻ với Zing rằng ông cảm nhận được sự năng động, nguồn năng lượng tích cực và lạc quan của người dân TP.HCM.
Đến Việt Nam từ tháng 9/2021 để nhậm chức tổng lãnh sự Hà Lan ở TP.HCM, ông Daniel Coenraad Stork chia sẻ với Zing rằng ông ngạc nhiên trước sự đổi mới và phát triển của đất nước.
Tổng lãnh sự đánh giá cao sự năng động và lạc quan của người Việt, cũng như bày tỏ niềm yếu thích đối với nên văn hóa vừa hiện đại, vừa truyền thống của Việt Nam. "Tôi có thể hiểu vì sao Việt Nam là một trong những nước có chỉ số hạnh phúc cao", ông Stork nói với Zing.
"Tôi tưởng đang ở một trong những trung tâm của thế giới"
- Chứng kiến Việt Nam cả ở trong đại dịch và khi bước vào cuộc sống bình thường mới, ông cảm thấy thế nào?
- Tôi đến TP.HCM vào giữa tháng 9/2021. Lúc vừa đặt chân xuống sân bay, tôi cảm thấy hơi lạ một chút vì mọi người ai cũng mặc đồ bảo hộ. Tôi tưởng mình đang ở trong một trạm vũ trụ. Không khí lúc đó hoàn toàn khác so với TP.HCM mà tôi từng ghé thăm 6 năm trước.
Gia đình tôi phải cách ly vài tuần. Từ trong khách sạn nhìn ra, lâu lâu mới có một chiếc xe chở hàng hay giao đồ chạy qua. Còn bây giờ, đặc biệt là khi Tết đang cận kề, không khí trở nên sôi động, vui tươi hơn. Tôi cảm thấy rất tuyệt và tự do.
- Ông ấn tượng nhất điều gì khi đến TP.HCM?
- Là một người đến từ châu Âu, tôi vẫn thấy nơi đây dường như là một trong những trung tâm của thế giới. Năng lượng và sự lạc quan tràn ngập khắp nơi. Mọi người dường như vẫn hừng hực khí thế muốn xây dựng một thành phố tốt đẹp hơn nữa.
Tôi có thể hiểu được tại sao Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao. Tôi rất ít khi quan sát thấy mọi người biểu lộ sự căng thẳng hay hung hăng, dù họ đang nỗ lực hết mình. Tôi cảm nhận người dân ở đây có sự hòa hợp, cảm thông cho nhau, đó là sự hòa hợp xã hội.
Tôi nghĩ đây là điều mà người Hà Lan, cũng như người châu Âu, có thể học hỏi từ các bạn. Đây có lẽ cũng là lý do nhiều người Hà Lan muốn đến và yêu thích Việt Nam.
Tôi cũng ấn tượng với nền ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là ở TP.HCM. Đây là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau, từ món ăn của mọi miền Việt Nam, đến các món du nhập từ nước khác.
Với một người đam mê ẩm thực, ở Việt Nam, hay ở TP.HCM là cả một cuộc phiêu lưu. Còn quá nhiều điều tôi chưa biết hết và tôi còn những năm tới để khám phá.
Trải nghiệm Tết đầu tiên
- Ông có thể chia sẻ một số hoạt động cũng như cảm nhận khi đón Tết Việt Nam?
- Tôi lần đầu biết đến Tết khi đọc về chiến tranh Việt Nam trong Tết Mậu Thân, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thực sự được trải nghiệm và cảm nhận tận mắt dịp lễ lớn này của người Việt.
Màu sắc rực rỡ, không khí sôi động tràn ngập thành phố. Mọi người tụ họp bên gia đình và người thân, đi chơi, karaoke, ăn uống... cùng nhau. Tôi đang nghe, đang chứng kiến, và cảm nhận Tết. Tết thực sự rất đẹp, và đó là một truyền thống tuyệt vời của Việt Nam.
Tôi có chưng một cây mai trong nhà. Gia đình tôi cũng treo liễn để trang trí Tết với câu “Chúc mừng năm mới” và một vài câu khác. Tôi cũng dự định học làm một vài món ăn Việt trong ngày Tết.
Đây là một kỳ lễ tuyệt vời. Văn hóa Việt Nam được tôn vinh trong dịp lễ này. Mọi thứ dung hòa giữa truyền thống và hiện đại. Tôi cảm thấy rất may mắn khi ở đây bây giờ.
Đối với tôi, tất cả những trải nghiệm này như một chuyến phiêu lưu và tôi còn rất nhiều điều để khám phá.
Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, tôi cũng muốn gửi lời chúc đến mọi người Việt Nam một năm tràn đầy năng lượng và niềm lạc quan.
Cầu nối giữa hai quốc gia
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về công việc của mình? Đảm nhận vai trò tổng lãnh sự Hà Lan ở TP.HCM, ông có ý tưởng gì để thúc đẩy quan hệ hai nước?
- Công việc chính của một nhà ngoại giao là xây dựng cầu nối giữa hai nước. Sứ mệnh của tôi là giúp đỡ người Hà Lan muốn đến đây làm ăn, tổ chức sự kiện trao đổi văn hóa, hoặc giúp người Việt đi du học, làm ăn tại Hà Lan.
Ngoài ra, tôi có trách nhiệm quảng bá hình ảnh đất nước Hà Lan cho Việt Nam và ngược lại.
Hai nước chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao (vào năm 2023), nhưng quan hệ Hà Lan - Việt Nam đã manh nha từ lâu.
Người Hà Lan đến Việt Nam từ khoảng 400-500 năm trước và quan hệ giữa hai nước luôn phát triển kể từ đó.
Tôi sẽ đề xuất để xem Hà Lan có thể giúp gì cho TP.HCM chuyển đổi từ "thành phố xe hơi" sang "thành phố xe đạp".
Tổng lãnh sự Hà Lan ở TP.HCM Daniel Coenraad Stork
Hà Lan là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với khoảng 10 tỷ euro (11,13 tỷ USD), trong khi Việt Nam xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất cho Hà Lan trong số các nước châu Âu.
Nông nghiệp là ngành chủ yếu mà chúng ta đang hợp tác và phát triển cùng nhau, ngoài ra còn có thủy lợi.
Trong những năm sắp tới, năng lượng bền vững sẽ khá quan trọng. Chúng tôi có một vài ý tưởng cho các lĩnh vực này.
Ngoài ra, tôi thấy rất tuyệt khi TP.HCM đang khuyến khích việc chạy xe đạp trong thành phố. Tôi thậm chí còn vui hơn khi thấy các bạn trẻ sử dụng xe đạp. Điều này cho thấy thành phố đang quan tâm đến môi trường và phát triển bền vững.
Tôi rất yêu thích việc đạp xe và mong muốn có thể làm gì đó để khuyến khích phát triển các mô hình dịch vụ xe đạp. Hà Lan có kinh nghiệm chuyển đổi các thành phố xe hơi sang thành phố xe đạp. Tôi sẽ đề xuất lên chính quyền địa phương xem Hà Lan có thể giúp được gì cho TP.HCM trong quá trình chuyển đổi này.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Hà Lan, có thể là mời nghệ sĩ hai nước đến để hợp tác trong lĩnh vực âm nhạc, hay nghệ thuật, văn chương. Tôi mong muốn người dân ở cả hai quốc gia có cơ hội tìm hiểu lẫn nhau nhiều hơn trong những năm tiếp theo.
- Hà Lan nổi tiếng với khả năng quản lý thủy lợi và phát triển bền vững. Trong thời gian đương nhiệm, ông có kế hoạch gì nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về lĩnh vực này?
- Chúng tôi đang xem xét các cách để hợp sức trong lĩnh vực thủy lợi, một trong số đó là ngăn chặn ngập lụt và chống xói mòn đất tại miền Nam Việt Nam, nhằm loại bỏ nguy cơ nước xâm lấn và nhấn chìm thành phố trong tương lai xa.
Với tình hình biến đổi khí hậu hiện tại, các biện pháp như xây rãnh và đập bình thường có thể sẽ không có tác dụng trong 10 năm tới.
Một vài công ty đang làm việc với cơ quan các cấp ở Việt Nam để tìm ra giải pháp. Tôi cũng đã nói chuyện với một lãnh đạo TP.HCM và ông ấy cũng mong muốn có cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tính đến chuyện phát triển nông nghiệp bền vững ở khu vực đồng bằng sông Mekong, sao cho hoạt động nông nghiệp hòa hợp với thiên nhiên, chứ không phải chống lại nó.
Hà Lan là một vùng đồng bằng giống như đồng bằng sông Mekong. Chúng tôi phải tập sống chung với nước ngập, thậm chí phải tìm cách khai thác lợi ích từ chính điều này.
Vì vậy, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong quản lý thủy lợi cũng như phát triển nông nghiệp bền vững. Và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.
- Ông nói rằng sẽ giúp hai nước hiểu nhau nhiều hơn thông qua việc mang văn hóa Hà Lan đến Việt Nam và ngược lại. Vậy những nét văn hóa Hà Lan nào ông muốn giới thiệu đến Việt Nam nhất?
- Khi tôi hỏi bạn bè người Việt rằng họ muốn biết gì về Hà Lan, nhiều người muốn xem hoa tulip, muốn xem tranh Van Gogh, hay Rembrandt. Chúng tôi chắc chắn sẽ muốn các bạn hiểu hơn về những giá trị văn hóa nổi tiếng, nhưng cũng mong các bạn biết đến các nét đẹp ít nổi tiếng hơn.
Chúng tôi có Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế (IDFA) rất hay, và Amsterdam hàng năm đều nhận về phim tài liệu từ khắp nơi trên thế giới.
Vào tháng 3, chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm World Press Photo (Ảnh Báo chí Thế giới), diễn ra tại một công viên công cộng ở TP.HCM. Đó là văn hóa Hà Lan, nhưng cũng là văn hóa quốc tế. Chúng đều được tổ chức ở Amsterdam, và giờ chúng tôi mang ý tưởng đó đến Việt Nam.
- Nếu không trở thành nhà ngoại giao, ông sẽ làm gì?
Cha tôi cũng từng là nhà ngoại giao nên từ nhỏ tôi đã có cơ hội tìm hiểu thế giới bên ngoài Hà Lan và tôi thích điều đó. Hà Lan đẹp nhưng hơi nhỏ, nếu dành cả đời ở đây thì quả là đáng tiếc.
Vì vậy, nếu không trở thành nhà ngoại giao, tôi nghĩ mình sẽ là một nhà làm phim tư liệu. Công việc này đem lại cho tôi cơ hội chứng kiến, tường thuật lại những câu chuyện.
Làm báo cũng có thể là một lựa chọn. Tôi là người thích tìm hiểu, nên làm phóng viên cho tôi cơ hội nghe và ghi lại những câu chuyện từ người khác.
Lựa chọn cuối cùng là tham gia vào Hải quân Hà Lan. Tôi từng nghĩ về việc được ngồi trên thuyền, chu du đến những thành phố cảng khắp thế giới, có thể là Vũng Tàu, Hải Phòng.
Tuy nhiên, công việc yêu thích số một của tôi vẫn là ngoại giao.