Tổng LĐLĐ Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam ký kết chương trình phối hợp công tác

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam vừa ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022 – 2027.

CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN TRÊN SÓNG TRUYỀN HÌNH CÓ CHIỀU SÂU VÀ CHẤT LƯỢNG

Báo cáo kết quả chương trình phối hợp tuyên truyền về phong trào công nhân, hoạt động công đoàn trên Đài Truyền hình Việt Nam giai đoạn 2016-2021, bà Vũ Thị Giáng Hương - Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Trong 5 năm qua, các hoạt động tuyên truyền về phong trào công nhân, hoạt động công đoàn được phản ánh khá sâu sắc, toàn diện trên các kênh, sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Cụ thể là các hoạt động xã hội, sự kiện của tổ chức Công đoàn như: Chương trình “Tết sum vầy”, phúc lợi đoàn viên, Mái ấm Công đoàn, hoạt động của các cấp Công đoàn với công tác phòng, chống dịch Covid-19, vận động ủng hộ quỹ vắc xin cho công nhân, Tháng Công nhân, đặc biệt các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 (1/5/1886 - 1/5/2021).

Bên cạnh đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã tuyên truyền về những dấu ấn của Thủ tướng Chính phủ trong các lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động cả nước; Thủ tướng trực tiếp kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật đối với công nhân lao động tại Đồng Nai; tuyên truyền về việc Thủ tướng đôn đốc, chỉ đạo các ban, Bộ, ngành thực hiện các kiến nghị của đoàn viên, người lao động…

Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã quan tâm tuyên truyền về đời sống, việc làm, những khó khăn của người lao động, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19; tuyên truyền về công tác tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động của tổ chức Công đoàn như tham gia bảo vệ quan điểm của Công đoàn về đề xuất tăng tiền lương tối thiểu hàng năm; các vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bộ luật Lao động; các cấp Công đoàn đại diện người lao động khởi kiện các doanh nghiệp nợ lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội; kiến nghị ưu tiên công nhân trong nhóm đối tượng được tiêm vắc xin; tuyên truyền Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”…

Trao đổi, thảo luận tại Hội nghị ký kết, các đại biểu hai cơ quan đã nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, các chương trình tuyên truyền về giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn ngày càng phong phú, không chỉ ở các kênh truyền thống mà cả trên nền tảng số. Chất lượng chuyên mục “Lao động và Công đoàn” từng bước nâng lên nhưng thời gian tới cũng cần phải đầu tư để có sự bứt phá. Các bản tin phản ánh toàn diện, sâu rộng làm nổi bật vai trò của công đoàn trong chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động, nhất là trong đại dịch Covid – 19 và trong các cuộc ngừng việc tập thể của công nhân.

Hiện nay, việc xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phục hồi kinh tế đất nước rất quan trọng. Hai bên cần tập trung tuyên truyền các giải pháp tổng thể, căn cơ như tiền lương, thu nhập, nhà ở… tạo động lực để người lao động đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Đánh giá về chất lượng chuyên mục Lao động và Công đoàn, đồng chí Nguyễn Đăng Học – Giám đốc Trung tâm phim tư liệu và phóng sự cho biết, đây là chương trình chính luận duy nhất, định kỳ phản ánh hoạt động của các cấp công đoàn trong suốt thời gian qua. Để có sức bật thì chuyên mục cần phải đột phá hơn ở đề tài và cách thức tuyên truyền thành vệt, tuyến nội dung.

Đối với công tác phối hợp đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, đồng chí Đỗ Đức Hoàng – Trưởng ban Thời sự đề xuất hai bên cần chủ động thông tin ngay khi sự việc chưa thành tâm điểm của dư luận.

Các đại biểu của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề xuất nhiều giải pháp như: Đài truyền hình Việt Nam dành thời lượng để tuyên truyền hoạt động công đoàn tại cơ sở; sản xuất và phát sóng phim truyện phản ánh về đời sống, việc làm của người lao động; nghiên cứu giờ của chuyên mục “Lao động và Công đoàn” để phù hợp với thời gian làm việc và nghỉ ngơi của người lao động.

QUAN TÂM CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC, GIẢI TRÍ CHUYÊN BIỆT DÀNH CHO CÔNG NHÂN

Phát biểu tại lễ kí kết, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang đều khẳng định tầm quan trọng và ghi nhận kết quả công tác phối hợp giữa 2 cơ quan trong thời gian qua. Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, thời gian qua lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam đã cộng tác chặt chẽ, phối hợp hiệu quả với tổ chức Công đoàn trong công tác tuyên truyền với nhiều chương trình, phóng sự có chiều sâu và chất lượng, phản ánh đa dạng, đa chiều tâm tư, đời sống của công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn.

Nhờ công tác tuyên truyền mà tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức lao động đã kịp thời được phản ánh với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, góp phần tăng cường niềm tin của đoàn viên, người lao động đối với Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn Việt Nam”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời gian tới, bối cảnh mới đang đặt ra những yêu cầu ngày càng mới và cao hơn đối với công tác tuyên truyền của hệ thống chính trị nói chung và của tổ chức Công đoàn Việt Nam nói riêng, đòi hỏi phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm đã được đúc rút trong quá trình phối hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền giữa hai cơ quan đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới.

“Đặc biệt, năm 2023 là năm diễn ra đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn mong muốn đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn của công nhân, viên chức, lao động, sự kiện trọng đại này tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ được truyền thông mạnh mẽ trên làn sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Bên cạnh đó, quan tâm truyền thông về các sự kiện, hoạt động lớn của tổ chức Công đoàn như Tháng Công nhân, kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7)...”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang bày tỏ.

Tiếp thu ý kiến trao đổi của đại biểu hai cơ quan, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang cùng thống nhất ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022 – 2027 với 7 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và phản ánh việc triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của các cấp Công đoàn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, các cấp ủy tổ chức Đảng về xây dựng, phát triển giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các thông tin xấu, độc có tác động tiêu cực đến phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn.

Hai bên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, vị trí Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết quả những nỗ lực đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam nhằm tập hợp người lao động và thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động trong tình hình mới.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền sâu rộng những đổi mới trong tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; ưu tiên phản ánh các hoạt động của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn trong thực hiện các chương trình công tác như “Tháng Công nhân”, “Tết Sum vầy”, chương trình phúc lợi đoàn viên; xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp…; các phong trào thi đua yêu nước do tổ chức Công đoàn phát động, gương người tốt việc tốt của các tập thể, cá nhân trong công nhân, viên chức, lao động, cán bộ Công đoàn; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Đặc biệt, hai bên sẽ tăng cường công tác phối hợp trong việc tổ chức các sự kiện, chương trình về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn; các chương trình giáo dục, giải trí chuyên biệt hướng tới đối tượng thụ hưởng là công nhân lao động; bố trí khung giờ phát sóng hợp lý để công nhân lao động có thể tiếp cận với các chương trình của Đài Truyền hình.

Với vai trò, vị trí của mỗi cơ quan, tổ chức, cùng chung mục tiêu, hành động và tầm nhìn, phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua để triển khai Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2027 đạt được những kết quả to lớn, thành công hơn nữa, ghi đậm dấu ấn của mỗi bên, tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa rộng lớn, mạnh mẽ trong đoàn viên, người lao động và toàn xã hội.

Dịp này, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho 5 cá nhân của Đài Truyền hình Việt Nam; trao Bằng khen cho 4 tập thể và 6 cá nhân của Đài Truyền hình Việt Nam.

Lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Truyền hình Việt Nam” cho 6 cá nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; trao Bằng khen cho 1 tập thể và 5 cá nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngọc Tú

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/tuyen-giao-cac-cap/tong-ldld-viet-nam-va-dai-truyen-hinh-viet-nam-ky-ket-chuong-trinh-phoi-hop-cong-tac-138498