Tổng LSQ Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản): Nỗ lực khai thác tiềm năng và thế mạnh của khu vực Kyushu

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka (TLSQ) đã không ngừng nỗ lực kết nối địa phương và doanh nghiệp hai nước qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và giao lưu nhân dân.

Hình ảnh tại cuộc gặp giữa Tổng Lãnh sự Vũ Chi Mai (thứ hai, trái sang) và Thống đốc và Chủ tịch Hội đồng tỉnh Saga ngày 13/2/2023. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Fukuoka)

Hình ảnh tại cuộc gặp giữa Tổng Lãnh sự Vũ Chi Mai (thứ hai, trái sang) và Thống đốc và Chủ tịch Hội đồng tỉnh Saga ngày 13/2/2023. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Fukuoka)

Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục... tạo nhiều dấu ấn quan trọng.

Đặc biệt, với khu vực Tây Nam Nhật Bản (Kyushu), ngay từ thế kỷ XVI và XVII hai bên đã có giao thương bằng thuyền từ Nagasaki đến Hội An. Dấu ấn của quan hệ trong thời kỳ này đã được ghi trong thư khố của Nhật Bản, trong màn biểu diễn “Châu Ấn Thuyền” tại Lễ hội Nagasaki, qua câu chuyện tình yêu 400 năm về trước giữa thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản và Công chúa Ngọc Hoa của triều Nguyễn.

Những tiềm năng lớn

Kyushu nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản, là cái nôi của nền văn minh và là một trong các trung tâm kinh tế quan trọng. Kyushu gồm 7 tỉnh là Fukuoka, Saga, Nagasaki, Kumamoto, Oita, Miyazaki và Kagoshima, thành phố lớn nhất là Fukuoka. Quy mô kinh tế của Kyushu được gọi là “Kinh tế 10%” bởi số dân, diện tích và GDP đều chiếm khoảng 10% của toàn nước Nhật. Kyushu có thế mạnh trong sản xuất nông sản thực phẩm và công nghiệp ô tô.

Với vị trí địa lý độc đáo, khu vực này có lợi thế vượt trội về giao thông và liên kết với các nước láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc. Những năm gần đây, Kyushu phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp chủ chốt như công nghệ thông tin, dược phẩm, năng lượng sạch, đồ gốm, nông nghiệp công nghệ cao, chế tạo máy… Với văn hóa đa dạng và du lịch phát triển, khu vực Kyushu có thể đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc quảng bá và phát triển ngành du lịch.

Bên cạnh đó, đầu năm 2022, Chính phủ Nhật Bản và các tỉnh ở khu vực Tây Nam Nhật Bản đã công bố các kế hoạch hỗ trợ và khuyến khích tăng cường đầu tư, thu hút du lịch và đổi mới công nghệ để thúc đẩy kinh tế tại khu vực, làm bàn đạp cho tăng trưởng kinh tế của toàn Nhật Bản, tạo ra nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Không ngừng nỗ lực kết nối

Nhằm khai thác tiềm năng của khu vực, TLSQ đã không ngừng nỗ lực kết nối địa phương và doanh nghiệp hai nước qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và giao lưu nhân dân.

Ngày 7-9/1/2023, trong chuỗi hoạt động “Xuân Quê Hương 2023”, TLSQ tổ chức diễn đàn “Kết nối thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp Nhật Bản” như: Lễ hội Việt Nam Fukuoka, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản; Lễ hội quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực Việt Nam tại Okinawa; Tuần lễ Việt Nam tại thành phố Beppu tỉnh Oita.

Để tạo đà phát triển hợp tác kinh tế bền vững, TLSQ đã vận động Liên đoàn kinh tế Kyushu mở Trung tâm quảng bá xúc tiến Kyushu tại Hà Nội (khai trương ngày 7/3/2023).

TLSQ đã kết nối tỉnh Ninh Bình ký Biên bản ghi nhớ Hợp tác và Giao lưu Hữu nghị với thành phố Saiki, tỉnh Oita (ngày 31/3); tỉnh Quảng Ngãi ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác cung ứng nguồn nhân lực với tỉnh Oita (ngày 14/4); hỗ trợ, thu xếp chương trình thăm và làm việc cho nhiều đoàn như: Đoàn tỉnh Bắc Kạn đến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm một số mô hình sản xuất nông nghiệp, nhà máy rác thải, nhà máy điện sinh khối tại 2 tỉnh Oita và Fukuoka (ngày 26-28/7); Thống đốc tỉnh Miyazaki làm việc với tỉnh Nam Định và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (ngày 9-11/7), đoàn Thống đốc tỉnh Oita thăm làm việc tại Quảng Ngãi (ngày 29-30/8); đoàn Thống đốc tỉnh Nagasaki thăm làm việc với Quảng Nam (cuối tháng 8).

Hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam tổ chức tại Fukuoka, Nhật Bản. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Fukuoka)

Hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam tổ chức tại Fukuoka, Nhật Bản. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Fukuoka)

Để đáp ứng nhu cầu các địa phương và doanh nghiệp hai nước, ngày 5-7/10/2023, TLSQ tổ chức Diễn đàn kinh tế kiều bào lần thứ II; kết nối hợp tác địa phương, doanh nghiệp Việt Nam – Kyushu.

Nhân kỷ niệm 15 năm hợp tác giữa Hà Nội và Fukuoka, đoàn công tác của Hà Nội sẽ thăm và làm việc tại Fukuoka, TLSQ phối hợp với chính quyền tỉnh và Hà Nội sẽ tổ chức hội chợ giới thiệu về tiềm năng kinh tế và văn hóa Hà Thành tại trung tậm quận Hakata, Fukuoka tháng 11 và Thống đốc tỉnh Fukuoka sẽ sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào 1/2024.

Những biện pháp cần thiết

Để thu hút đầu tư và hợp tác phát triển với khu vực Kuyshu, chúng ta cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định. Điều này bao gồm việc đơn giản hóa quy trình hành chính, tạo ra các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và giảm bớt rủi ro trong kinh doanh.

Xây dựng hạ tầng đáng tin cậy là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư. Chúng ta cần đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông, viễn thông và năng lượng để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và phát triển.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố rất quan trọng để thu hút đầu tư và xuất khẩu nhân lực. Chúng ta cần cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, tạo ra các chương trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp theo chuyên ngành kèm ngôn ngữ để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của khu vực Kyushu.

Xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế đặc biệt, tạo ra các khu vực thuận lợi cho đầu tư và phát triển, trong đó có các chính sách thuế và hỗ trợ đặc biệt để thu hút đầu tư.

Chúng ta cần tăng cường quảng bá các tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đến các nhà đầu tư thông qua chiến dịch truyền thông và marketing theo trọng điểm.

Trong tình hình thế giới hiện nay, hợp tác quốc tế ngày càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Việt Nam và Nhật Bản đã và đang xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ dựa trên sự tin tưởng và lợi ích chung. Chúng ta cần tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ này, đồng thời tìm ra những cách mới và sáng tạo để hợp tác cùng phát triển.

Khu vực Kyushu là tiềm năng để các địa phương và doanh nghiệp hai nước hợp tác cùng mang lại lợi ích và cùng nhau duy trì, phát triển quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, với tình cảm lâu bền và tôn trọng, hướng tới một tương lai tốt đẹp, hòa bình và thịnh vượng cho cả hai quốc gia và sự phát triển bền vững của cả khu vực.

Vũ Chi Mai

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-lsq-viet-nam-tai-fukuoka-nhat-ban-no-luc-khai-thac-tiem-nang-va-the-manh-cua-khu-vuc-kyushu-251724.html