Tổng lực hỗ trợ giải quyết ùn ứ nông sản ở cửa khẩu phía Bắc
Cứ 'đến hẹn lại lên', vào những ngày cuối năm, tình trạng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu lại tái diễn ở khu vực biên giới phía Bắc. Năm nay, thêm việc bùng phát dịch Covid-19, phía Trung Quốc thông quan càng chậm hơn. Để xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp, thương lái, lực lượng hải quan khu vực này đang dốc sức triển khai nhiều giải pháp tổng lực.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tắc hàng
Trong những ngày gần đây, lượng hàng nông sản dồn về tỉnh Lạng Sơn tăng mạnh khiến cho khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh tái diễn tình trạng ùn ứ. Thống kê sơ bộ đến sáng 3/12, lượng tồn ở các cửa khẩu nói trên khoảng 3.000 xe hàng (cả xe có hàng và xe sang tải). Ước tính tổng lượng hàng nông sản tồn khoảng 38.000 tấn.
Trong khi đó, năng lực thông quan ở Hữu Nghị, Tân Thanh chỉ khoảng 200 xe/ngày, ở Chi Ma khoảng 30 - 35 xe/ngày. Với tình hình hiện tại, dự báo trong những ngày tới xe hàng sẽ còn tồn đọng tăng lên.
Theo ông Bế Thái Hưng Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, Cục Hải quan Lạng Sơn, kể từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, phía Trung Quốc quản lý chặt hơn khâu giao nhận hàng. Phía Trung Quốc yêu cầu lái xe Việt Nam giao xe hàng cho lái xe chuyên trách của Trung Quốc khi đến khu vực kiểm hóa Pò Chài (thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc). Điều này phát sinh một số khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, xuất hàng chậm hơn cũng như sẽ phát sinh một số rủi ro.
Hàng nghìn xe hàng chờ xuất khẩu ở khu vực các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: CTV
Một nguyên nhân khác là năng lực bến bãi thông quan ở Trung Quốc còn hạn chế, thiếu vắng nhân lực nên việc sang tải hàng hóa giữa ô tô Việt Nam và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, kéo dài. Đặc biệt, do không quen xe, một số tài xế Trung Quốc đã va quệt hoặc không điều khiển thành thục phương tiện dẫn đến ách tắc trầm trọng ngay trên đất Trung Quốc.
Ngoài ra, khi phía Trung Quốc tạm thời đóng cửa, không thông quan tại một số cửa khẩu phụ như: Cốc Nam, Na Hình (huyện Văn Lãng), Nà Nưa, Bình Nghi (huyện Tràng Định), Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) dẫn tới lượng hàng dồn về các cửa khẩu hoạt động ngày một tăng cao.
Ở Lào Cai, phía Trung Quốc không có thông tin chính thức về việc dừng hoạt động ở cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Hà Khẩu. Tuy nhiên, theo thông tin trao đổi của Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai, phía chính quyền huyện Hà Khẩu đang sắp xếp lại việc quản lý đối với 4 bãi kiểm tra hàng hóa từ ngày 4/12/2021 đến ngày 7/12/2021. Bởi vậy, khoảng thời gian này hầu như không có hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Tại cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng, những ngày đầu tháng 12, lượng xe hàng xuất khẩu bắt đầu có hiện tượng tắc ở cửa khẩu, có thời điểm tới vài trăm xe và liên tục biến động. Nguyên nhân do việc thông quan phía Trung Quốc chậm nên lượng hàng xuất khẩu mỗi ngày qua cửa khẩu rất ít dẫn đến tình trạng ùn ứ. Bình quân trước đây mỗi lô hàng nông sản xuất khẩu, chỉ mất vài phút là được phía Trung Quốc thông quan, nhưng hiện nay phải mất khoảng 1 ngày.
Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Trà Lĩnh, Cục Hải quan Cao Bằng, lượng xe chở hàng dồn về khu vực cửa khẩu quá lớn, chậm được giải phóng đã vượt quá sức chứa của 5 kho, bãi tại khu vực cửa khẩu. Một số xe contener chở hàng phải đỗ dọc đường vào lối mở Nà Đoỏng, thị trấn Trà Lĩnh. Lượng xe ùn tắc khiến cho các kho bãi của cửa khẩu bị quá tải nghiêm trọng.
Vấn đề nằm ở chỗ, tốc độ thông quan chậm nhưng hàng từ nhiều địa phương vẫn đổ dồn về nên chưa thể xuất đi được.
Tích cực tháo gỡ
Được biết, ngay đầu tháng 12/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức buổi làm việc với Tổ công tác liên ngành thực hiện hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn, thảo luận giải pháp điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu và thúc đẩy hoạt động thông quan trong thời gian tới.
Đề xuất tìm giải pháp tháo gỡ
Cơ quan hải quan cũng đề xuất UBND các tỉnh chủ động hội đàm với phía Trung Quốc để tìm giải pháp tháo gỡ. Theo đó, tỉnh đề nghị phía bạn xem xét, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh giữa hai bên. Cùng đó, xem xét cho lái xe trong nội địa đáp ứng đủ các yêu cầu phòng chống Covid-19 được tham gia lái xe trung chuyển hàng hóa trong khu vực cửa khẩu. Mặt khác, nhanh chóng tổ chức đào tạo lái xe container để đáp ứng yêu cầu công việc.
Theo đó, lãnh đạo UBND đã chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu. Trong đó, các lực lượng cần triển khai tạo 2 luồng xe xuất, nhập riêng biệt để đảm bảo không xảy ra ùn ứ. Các huyện biên giới tiếp tục triển khai hội đàm với lực lượng chức năng của Trung Quốc nhằm bàn giải pháp đẩy mạnh thông quan hàng hóa, tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu, nhất là đội ngũ lái xe đường dài từ địa phương khác đến.
Lạng Sơn cũng như tỉnh có cửa khẩu bị tắc hàng cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc thông báo tình hình ách tắc, khuyến cáo các doanh nghiệp đưa hàng hóa lên cửa khẩu thời điểm này. Đồng thời có văn bản khuyến cáo các địa phương, các doanh nghiệp về việc nâng cao chất lượng hàng hóa để tránh việc xảy ra ùn ứ tại cửa khẩu, dẫn đến hư hỏng, gây thiệt hại về kinh tế.
Song song với các giải pháp của tỉnh, cơ quan hải quan đóng tại các cửa khẩu cũng đã triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện tốt nhất cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cụ thể, tăng cường quân số trực và giải quyết thủ tục cho hàng hóa của doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tổ chức phân làn, hướng dẫn lái xe di chuyển hàng hóa vào bến bãi đảm bảo phân luồng thuận tiện cho hàng hóa, tránh thiệt hại về chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.