Tổng nguồn thu hợp pháp tăng gần 42 tỷ đồng, PGĐ Học viện Ngân hàng nói gì?
Với đặc thù đào tạo của mình, Học viện Ngân hàng có lợi thế phát triển mạnh mẽ nguồn thu từ các nguồn hợp pháp khác.
Vừa qua, Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết "Sau 2 năm học, tổng thu từ nguồn hợp pháp khác của HV Ngân hàng tăng gần 42 tỷ", trong đó nêu tổng thu năm của Học viện Ngân hàng đang có xu hướng tăng qua các năm, đặc biệt, nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác của Học viện tăng 41,854 tỷ đồng sau 2 năm học (từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022), chiếm gần 30% tổng thu năm của nhà trường.
Trước vấn đề trên, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Quế - Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngân hàng cho biết, không giống với nhiều cơ sở giáo dục đại học khác, Học viện Ngân hàng là cơ sở đào tạo đa ngành nhưng có trọng tâm là đào tạo về tài chính – ngân hàng.
Chính vì vậy, ngoài các khoản thu rất quan trọng giống như các trường đại học khác là nguồn thu đến từ học phí, Học viện có thêm nguồn thu từ việc đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, thực hiện các chương trình tư vấn cho cán bộ, nhân sự của các ngân hàng, công ty tài chính,…
Nguồn thu này không chỉ những năm gần đây mới có mà đã tồn tại từ nhiều năm trước do đặc thù đào tạo của riêng Học viện Ngân hàng.
Tuy nhiên, nhờ luôn chú trọng trong công tác đào tạo qua việc đổi mới không ngừng các phương pháp giảng dạy cùng công tác quản lý tốt, gây dựng sự hợp tác mạnh mẽ giữa nhà trường với các ngân hàng, công ty của Ban lãnh đạo Học viện nên ngày càng có nhiều ngân hàng tìm đến trường ký kết các hợp đồng đào tạo ngắn hạn như vậy.
Đơn cử như khi sinh viên của Học viện đến thực tập hoặc làm việc tại các công ty, ngân hàng được nơi sử dụng lao động đánh giá cao, từ đó, họ nhận thấy chất lượng tốt trong công tác đào tạo của nhà trường.
Hàng năm, khi Học viện tổ chức hội chợ việc làm do các ngân hàng đóng góp kinh phí thực hiện cũng nhận thấy rằng, số lượng các ngân hàng quan tâm đến cơ sở ngày càng nhiều. Có năm, có những ngân hàng hàng đến Học viện lấy đến 300-400 sinh viên trước khi các em tốt nghiệp ra trường.
Không những vậy, những năm gần đây, số lượng các giảng có trình độ tiến sĩ trở lên từ các trường khác chuyển sang giảng dạy tại Học viện cũng không hề nhỏ.
Đặc biệt, cơ sở có rất nhiều giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài về nên có trình độ ngoại ngữ tốt, chất lượng bài giảng cập nhật kịp thời được với sự phát triển của thế giới, theo các chương trình quốc tế và kết hợp với chính sách của Việt Nam nên công tác đào tạo ngày càng được nâng cao.
“Cơ sở giáo dục đại học nào có được chất lượng đào tạo tốt, gây dựng được uy tín mới kéo theo các nghiên cứu khoa học, các nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ khác tăng lên. Do vậy, nền móng của các nguồn thu dù là từ học phí hay các nguồn thu hợp pháp khác đều phải bắt nguồn từ đào tạo”, thầy Quế nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thầy Quế cho biết thêm, những năm gần đây, nhà trường tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất tốt và hiện đại hơn, đảm bảo chất lượng phòng ốc, có máy lạnh, điều hòa nên tất nhiên giá phòng nội trú cũng tăng lên để phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất này. Do đó, nguồn thu từ khu nội trú cũng tăng lên.
Mặt khác, chia sẻ về lý do nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Học viện những năm gần đây đang có xu hướng giảm, hoặc nếu tăng cũng chỉ tăng nhẹ, thầy Quế cho hay, khác với các đề tài nghiên cứu khoa học của các trường đại học thuộc khối kỹ thuật, các sản phẩm nghiên cứu đó có thể bán ra với giá trị lên đến hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, những đề tài của những cơ sở đào tạo đặc thù như Học viện Ngân hàng chỉ nghiên cứu về một mặt nào đó của ngân hàng nên giá trị sản phẩm bán ra chỉ vào khoảng vài trăm triệu đồng. Do đó, có những năm, cơ sở chỉ có 1,2 đề tài nghiên cứu nên nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Học viện không cao.
Tuy nhiên, qua những đề tài nghiên cứu cho các ngân hàng đã đặt hàng đó sẽ kéo theo được nhiều nguồn thu từ các dịch vụ khác cho nhà trường như về tư vấn và đào tạo,… và những nguồn thu này thuộc về nguồn thu từ nguồn hợp pháp khác.
Cũng theo Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngân hàng, không thể phủ nhận dù là trường đại học công lập hay trường đại học tư thục, nguồn thu cao nhất vẫn là đến từ học phí.
Tuy nhiên, việc quan trọng là các cơ sở giáo dục đại học phải tính toán một cách hợp lý, dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật, đảm bảo cân đối được thu chi cho nhà trường ((lương của giảng viên, cơ sở vật chất,…) và đặc biệt là thu học phí ở mức chấp nhận được, tránh lạm dụng việc thu học phí để làm lợi lớn riêng cho nhà trường.
Hơn nữa, nếu chỉ nhìn vào nguồn thu từ học phí, có thể thấy rằng, các trường vốn tuyển sinh được số lượng người học thấp sẽ rất khó khăn.