Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 388 nghìn tỷ đồng
Đến ngày 31/01/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 388.000 tỷ đồng; trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 56.507 tỷ đồng, tăng 5.826 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,5%...
Sáng 03/02, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã tổ chức Phiên họp giao ban trực tuyến đầu Xuân với các điểm cầu tại chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành và phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện, thị xã trên cả nước.
Tại buổi giao ban trực tuyến, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: Ngay từ đầu năm 2025, NHCSXH đã chủ động bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao, đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn. Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất kinh doanh, các đơn vị trong hệ thống đã chủ động thực hiện công tác huy động vốn đáp ứng đủ nguồn vốn thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Đến ngày 31/01/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 388.000 tỷ đồng; trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 56.507 tỷ đồng, tăng 5.826 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,5%; 100% chi nhánh đều có vốn ủy thác địa phương tăng so với năm 2024. Tổng doanh số cho vay đạt 10.529 tỷ đồng, với 165.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 371.426 tỷ đồng với hơn 6,887 triệu khách hàng còn dư nợ.
Nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 57.000 lao động, trong đó, 655 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và 279 lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp gần 3.900 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 118.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; 250 căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp...
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, năm 2024, ngành ngân hàng đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ để thực hiện tốt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, nhất là năng lượng, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có vai trò đóng góp của NHCSXH trong triển khai các chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt, với nhiều nhiệm vụ quan trọng: tăng tốc, bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8%. Theo đó, ngành ngân hàng xác định vai trò quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các ngành nghề, chương trình ưu tiên như Chương trình phát triển nhà ở xã hội, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát...
Để thực hiện thành công nhiệm vụ chung của toàn Ngành, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, quyết tâm phấn đấu, vượt qua mọi vướng mắc, khó khăn, NHCSXH tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa tín dụng chính sách xã hội, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội./.