Tổng quan lượt đầu vòng bảng World Cup 2022: Bất ngờ & kỷ lục
VCK World Cup 2022 đã hoàn thành lượt đấu đầu tiên của vòng bảng. Dưới đây là những điểm nhất sau lượt trận đầu.
Những cú sốc từ Argentina và Đức
Argentina và Đức là những ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch. Tuy nhiên, 2 ông lớn này đã gây thất vọng toàn tập ở lượt đấu đầu tiên và theo cùng một kịch bản.
Cả hai đội đều ghi bàn dẫn trước từ chấm 11m nhưng sau đó đều để cho các đội chiếu dưới là Saudi Arabia và Nhật Bản ngược dòng thắng lại với tỷ số 2-1. Đây chính là 2 cú sốc đầu tiên của World Cup 2022.
Những ông lớn thị uy
Trong khi Đức và Argentina gây thất vọng thì các ứng viên vô địch khác lại thể hiện được sức mạnh và đẳng cấp hàng đầu của mình trong loạt đấu đầu tiên.
Tại bảng B, ĐT Anh đánh bại ĐT Iran với tỷ số đậm đà 6-2. Ở bảng D, ĐKVĐ Pháp cũng hủy diệt Australia với tỷ số 4-1. Nhưng ấn tượng nhất phải là chiến thắng 7-0 của Tây Ban Nha trước Costa Rica.
Những chiến thắng nhọc nhằn
Những đội bóng được đánh giá cao khác lại có những chiến thắng khá nhọc nhằn. Tại bảng A, Hà Lan chỉ có thể ghi 2 bàn vào lưới Senegal ở những phút cuối. Bỉ cũng chỉ có chiến thắng với tỷ số tối thiểu 1-0 trước Canada tại bảng F.
Ở bảng H, Bồ Đào Nha có trận thắng hú hồn 3-2 trước ĐT Ghana. Trong khi đó, Brazil chật vật đánh bại Serbia 2-0 nhưng có nguy cơ mất ngôi sao Neymar vì chấn thương.
Châu Á chia nửa buồn vui
VCK World Cup 2022 chứng kiến tới 6 đội châu Á góp mặt do Qatar là nước chủ nhà. Tuy nhiên, không phải đội nào cũng gây được ấn tượng tốt.
Chủ nhà Qatar để thua thất vọng 0-2 trong trận khai mạc trước Ecuador. Iran thảm bại 2-6 trước Anh còn Australia cũng thua đau 1-4 trước Pháp.
Tuy nhiên, Saudi Arabia và Nhật Bản đã tạo nên những cú sốc khó tin khi quật ngã các ông lớn là Argentina và Đức với cùng tỷ số 2-1.
Đại diện cuối cùng của châu Á là Hàn Quốc cũng nhận được ít nhiều sự tán dương khi cầm hòa Uruguay với tỷ số 0-0 tại bảng H.
Châu Phi ra quân thất vọng
Trong khi các đội châu Á ít nhiều để lại dấu ấn thì các đội bóng đến từ châu Phi lại gây thất vọng nặng nề khi không có được 1 chiến thắng nào.
Senegal, Cameroon và Ghana đều không có nổi 1 điểm trong khi Tunisia và Morocco cũng chỉ có các trận hòa nhạt nhòa. Đáng chú ý, chỉ có Ghana là ghi được bàn thắng còn 4 đội còn lại chưa một lần phá lưới đối phương.
VAR, công nghệ bán tự động & penalty
Như thường lệ, vẫn có những tranh cãi đáng chú ý trong lượt đấu đầu tiên xung quanh VAR, công nghệ bắt việt vị bán tự động và những quả penalty.
Ngay ở trận khai mạc, tranh cãi đã bùng nổ về công nghệ bắt việt vị bán tự động khi từ chối bàn thắng của Ecuador. Ở các trận tiếp theo, công nghệ này vẫn chịu nhiều chỉ trích vì bắt việt vị tới từng milimet.
Ngoài ra, công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Điển hình là ở trận đấu giữa Argentina vs Saudi khi bàn thắng của Lautaro Martinez không được công nhận. Trận Bồ Đào Nha vs Ghana cũng gây tranh cãi khi không xem lại quả penalty của Bồ Đào Nha là đúng hay không.
Sau lượt đấu đầu tiên, đã có 9 quả penalty được thực hiện. Trong đó có 2 người đá hỏng là Robert Lewandowski ở trận Ba Lan vs Mexico và Alphonso Davies ở trận Bỉ vs Canada.
Những kỷ lục đáng nhớ
Mới qua lượt đấu đầu tiên nhưng World Cup 2022 đã chứng kiến rất nhiều kỷ lục. Đội chủ nhà Qatar thiết lập cột mốc buồn tại một kỳ World Cup khi trở thành đội chủ nhà đầu tiên nhận thất bại tại trận khai mạc.
World Cup 2022 cũng thiết lập kỷ lục thời gian đá bù giờ dài nhất trong lịch sử. 4 hiệp đấu tại vòng bảng World Cup 2022 có số phút bù giờ nhiều nhất trong lịch sử các kỳ World Cup kể từ năm 1966. Cụ thể, trận Anh và Iran hiệp 1 bù giờ 14 phút 08 giây và hiệp 2 là 13 phút 08 giây; hiệp 2 của trận Mỹ và Xứ Wales có 10 phút 34 giây và hiệp 2 của trận Hà Lan và Senegal cũng có tới 10 phút 03 giây.
Đội tuyển Tây Ban Nha đã lập nhiều kỷ lục sau chiến thắng 7-0 trước Costa Rica trong trận ra quân tại World Cup 2022. Theo đó, La Roja trở thành đội bóng đầu tiên tại World Cup (kể từ năm 1966) thực hiện được trên 500 đường chuyền trong một trận đấu (537 đường chuyền).
Ngoài ra, màn so tài với Costa Rica đội bóng xứ đấu bò cũng tung ra đến 1.043 đường chuyền và kiểm soát bóng lên tới 81,8%.
Bên cạnh đó, tài năng trẻ Gavi cũng đi vào lịch sử khi trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong một trận đấu ở World Cup kể từ năm 1958 khi mới 18 và 110 ngày.
2 siêu sao được chú ý nhất là Messi và Ronaldo cũng có cho mình những cột mốc đáng nhớ. Sút tung lưới Saudi Arabia, Messi trở thành cầu thủ Argentina đầu tiên trong lịch sử ghi bàn ở 4 kỳ World Cup khác nhau.
"El Pulga" cũng là cầu thủ thứ 5 trong lịch sử ghi bàn ở 4 kỳ World Cup khác nhau (2006, 2014, 2018 và 2022), sau Pele (Brazil), Uwe Seeler (Đức), Miroslav Klose (Đức) và Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha). La Pulga cũng là cầu thủ Argentina duy nhất trong lịch sử góp mặt trong 5 kỳ World Cup khác nhau.
Ronaldo cũng không kém cạnh với 3 cột mốc đáng nhớ. Anh đã đi vào lịch sử khi trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử ghi bàn ở 5 kỳ World Cup khác nhau, vượt qua thành tích của Messi, Klose, Pele (4 kỳ). Pha mở tỷ số vào lưới Ghana cũng giúp Ronaldo cải thiện kỷ lục ghi bàn cho một ĐTQG, với 118 bàn qua 192 trận.
Ngoài ra, Ronaldo đã cân bằng kỷ lục chơi ở 5 kỳ World Cup, cùng 4 cầu thủ khác là Antonio Carbajal, Rafael Márquez (Mexico), Lothar Matthaus (Đức) và Lionel Messi (Argentina).
Với màn trình diễn trước Ghana hôm 25/11, Ronaldo được trao danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu". Đây cũng là lần thứ 7 anh nhận danh hiệu này, và tạm thời trở thành người được trao giải thưởng này nhiều nhất. Xếp sau anh đang là Messi và Robben (6 lần).
Giải đấu trên đất Qatar cũng là giải đấu lớn thứ 10 của Ronaldo với ĐT Bồ Đào Nha gồm EURO 2004, World Cup 2006, EURO 2008, World Cup 2010, EURO 2012, World Cup 2014, EURO 2016, World Cup 2018, EURO 2020 và World Cup 2022. Anh chính là cầu thủ châu Âu đầu tiên làm được điều này.
Nỗi ám ảnh chấn thương
World Cup 2022 mới qua chặng đầu nhưng nỗi ám ảnh chấn thương đã hiện hữu. Thủ môn Ali Beiranvand của Iran va chạm với đồng đội Majid Hosseini khiến anh chảy máu mũi rất nhiều và được nhân viên y tế đưa ra ngoài sân cấp cứu.
Ở trận đấu Argentina vs Saudi Arabia, hậu vệ Yasser Al Shahrani dính chấn thương nặng sau khi hứng trọn cú huých đầu gối của thủ môn đội mình.
ĐT Pháp có lẽ là đội buồn nhất vì chấn thương. Ngay trước khi giải đấu khai mạc, họ đã mất Benzema và Nkunku. Tới trận mở màn gặp Australia, hậu vệ Lucas Hernandez bị chấn thương dây chằng chéo đầu gối phải và sẽ phải chia tay World Cup 2022.
Hàng loạt ngôi sao khác cũng đã bị đau chỉ sau lượt trận đầu tiên như Neymar của Brazil hay Harry Kane của Anh. Rõ ràng, việc đá vào mùa Đông là một khó khăn với nhiều cầu thủ.