Tổng rà soát trên toàn quốc về công tác phòng cháy chữa cháy
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Sáng 12/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC. Hội nghị kết nối trực tuyến tới tất cả các địa phương trên cả nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả của các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã đạt được trong PCCC & CNCH.
Lực lượng cảnh sát PCCC & CNCH được đánh giá đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác cứu nạn, cứu hộ. 8 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC & CNCH đã hy sinh và nhiều người bị thương trong khi làm nhiệm vụ.
Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận công tác PCCC & CNCH còn tồn tại, hạn chế, bất cập, để xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cần khắc phục.
Ý thức đối với công tác PCCC còn chưa tốt, chưa nhận thức được tầm quan trọng, còn chủ quan, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; nhiều trường hợp cố ý vi phạm quy định.
Chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC cũng được người đứng đầu Chính phủ nhận định là chưa đủ mạnh và chưa đủ tính răn đe, dẫn đến tình trạng chây ì, không khắc phục vi phạm.
Lấy dẫn chứng con số "chỉ có 3 bộ và 40 địa phương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 83/2017", Thủ tướng đánh giá việc này thể hiện sự thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng phê bình và yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng nhìn nhận công tác quản lý Nhà nước không ít nơi bị buông lỏng, các lực lượng chưa phối hợp chặt chẽ với nhau;
Công tác kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật PCCC chưa nghiêm, chưa quyết liệt, chưa đủ sức răn đe, còn nhiều nơi làm hình thức, chiếu lệ, qua loa, chưa mang lại hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ băn khoăn việc 2 vụ gây chết người nhiều nhất là cháy quán karaoke ở Hà Nội, Bình Dương, từ đó ông lưu ý cần tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy để tìm nguyên nhân, tìm ra biện pháp phòng ngừa, xử lý.
"Chúng ta phải suy nghĩ về các số liệu, mất mát nói trên, về những địa bàn, khu vực, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy để tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm, tìm ra biện pháp phòng ngừa, xử lý" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Xác định trách nhiệm hình sự, kỷ luật khi xảy ra cháy nhiều lần
Thủ tướng nêu rõ, khi các vụ cháy xảy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước.
Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới, tư duy, phương pháp, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát trong công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng con người.
Thủ tướng dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại các khu chung cư, khu đông dân cư, nhà dân vừa để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cơ sở tập trung đông người…
Về nhận thức, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải xác định tình hình cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ nghiêm trọng, nhất là tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu đông dân cư, chợ, siêu thị, quán bar, karaoke, vũ trường; đòi hỏi lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng nòng cốt phòng cháy chữa cháy và đề cao ý thức người dân, yêu cầu phải rất cao và đúng tầm mức.
Về quan điểm, phải đặt người dân phải là trung tâm, là chủ thể trong công tác này; đặt an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; an toàn cháy nổ góp phần ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Về mục tiêu, phải đặt ra mục tiêu cao hơn, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt việc chết người và hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan, nâng cao ý thức và kỹ năng của người dân trong phòng cháy cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ cương; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC & CNCH. Bộ Công an được giao chủ trì tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác PCCC, nhất là những địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy.
Việc giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện một cách nghiêm ngặt, không lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm...
Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC và khi xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh tra.
Khẩn trương hoàn thành việc tích hợp nội dung quy hoạch hạ tầng về PCCC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vào quy hoạch chung của tỉnh, thành phố (hoàn thành trong năm 2022)...
"Ngay sau Hội nghị này, tôi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm, tiếp thu các ý kiến, đề xuất, xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về vấn đề này, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả, nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ thời gian tới." - Thủ tướng nhấn mạnh