Tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu vượt 300.000 người
Theo Reuters, Tân Hoa xã và TTXVN, theo các con số thống kê, tính đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt con số 300.000 (305.000 trường hợp) và hơn 13.000 người chết kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 12-2019. Trong số này, Italy ghi nhận 4.825 người chết trong tổng số 53.758 trường hợp mắc Covid-19 và 6.072 người đã phục hồi.
Theo Reuters, Tân Hoa xã và TTXVN, theo các con số thống kê, tính đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt con số 300.000 (305.000 trường hợp) và hơn 13.000 người chết kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 12-2019. Trong số này, Italy ghi nhận 4.825 người chết trong tổng số 53.758 trường hợp mắc Covid-19 và 6.072 người đã phục hồi.
Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận 81.054 ca nhiễm, với 3.261 người chết và 71.740 người phục hồi. Những quốc gia có số người chết cao sau Italy và Trung Quốc là Tây Ban Nha với 1.720 người chết, Iran với 1.556 người chết và Pháp với 562 người chết.
* Việc hạn chế đi lại tại 35 quốc gia trên toàn thế giới đã ảnh hưởng tới khoảng 900 triệu người, trong đó có 600 triệu người do các chính phủ áp lệnh phong tỏa. Dự kiến, Colombia sẽ áp đặt lệnh hạn chế đi lại bắt buộc vào tối 24-3 tới, trong khi một sắc lệnh tương tự đã được áp dụng trên khắp Tunisia từ ngày 22-3. Tại Mỹ, có ít nhất bảy bang đã yêu cầu người dân ở trong nhà.
* Tại Italy, ngày 21-3, nước này ghi nhận thêm 793 người chết mới do Covid-19. Trước diễn biến tình hình phức tạp, Thủ tướng Italy G.Conte đã công bố bổ sung các biện pháp nghiêm ngặt, thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân, đồng thời đóng cửa tất cả các hoạt động sản xuất "phi chiến lược", không thật sự cần thiết trên toàn lãnh thổ. Các biện pháp mới sẽ áp dụng đến ngày 3-4 tới.
* Cùng ngày, tại Ðức, số ca nhiễm Covid-19 lên tới 22.364 người, và 83 người chết. Bang Bayern đã áp đặt tình trạng giới nghiêm từ ngày 21-3. Thủ đô Berlin từ chiều 21-3 đóng cửa các nhà hàng, cấm tụ tập trên 10 người; cấm bán hàng cho người ngoài tại các nhà ăn của các nhà máy, xí nghiệp...
* Cùng ngày, Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) đã đạt thỏa thuận với các bệnh viện tư trong nước để tăng cường thêm hàng nghìn giường bệnh, máy thở và đội ngũ nhân viên y tế đi kèm để đối phó dịch bệnh. Theo đó, khoảng 8.000 giường bệnh, gần 1.200 máy thở cùng gần 20.000 nhân viên y tế thuộc các bệnh viện tư tại Anh sẽ được bổ sung cho NHS từ đầu tuần này, để tăng cường khả năng điều trị tích cực cho bệnh nhân.
* Ngày 21-3, Georgia tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc do dịch Covid-19, cho phép chính phủ điều tiết giá cả thực phẩm và thuốc men nếu cần thiết. Tổng thống S.Zourabichvili tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài trong một tháng.
* Ngày 22-3, Bộ Y tế Thụy Sĩ thông báo, nước này đã ghi nhận 6.863 ca nhiễm Covid-19, trong đó 80 người chết. Hà Lan ghi nhận thêm 637 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc lên 3.631 và có 136 người chết.
* Chính phủ Anh ngày 22-3 khuyến cáo 1,5 triệu người có nguy cơ cao nhất mắc Covid-19 ở nước này cần ở trong nhà trong ít nhất 12 tuần. Theo đó, những người có các bệnh lý nền như ung thư xương, ung thư máu, xơ nang, hoặc những người đã phẫu thuật ghép tạng được giới chức y tế khuyến cáo làm tất cả những gì có thể để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm Covid-19, trong đó có cả việc ở nhà trong thời gian dài.
* Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, Chính phủ Ðức đang lên kế hoạch lập quỹ trị giá 600 tỷ euro. Theo đó, dự luật lập Quỹ ổn định kinh tế (WSF) dự kiến được Chính phủ Ðức thông qua hôm nay (23-3). Phần lớn quỹ này được dành cho bảo lãnh nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động thanh khoản và hỗ trợ tái cấp vốn trên thị trường.
Chính phủ Ðức nhận định, nền kinh tế nước này sẽ suy giảm 5% trong năm nay do hậu quả của dịch Covid-19. Bộ trưởng Tài chính Ðức O.Scholz đang lên kế hoạch cho ngân sách bổ sung với khoản nợ mới là 156 tỷ euro. Theo Bộ Tài chính Ðức, nước này sẽ phải mất 20 năm bù đắp các khoản vay để ứng phó dịch bệnh.
* Tại Tây Ban Nha, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ ban bố lệnh giới nghiêm đối với hơn 46 triệu người dân nước này. Theo đó người dân chỉ được phép ra ngoài để thực hiện những nhiệm vụ thiết yếu, mua thực phẩm, hoặc vì lý do y tế. Ðến nay, tại Tây Ban Nha, có hơn 28.570 ca nhiễm Covid-19.
* Tại Philippines, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo không nên sử dụng thuốc chống sốt rét Plaquenil (trong đó có hoạt chất hydroxychloroquine) kết hợp với Azithromycin trong điều trị bệnh Covid-19, trừ khi có chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ. Theo Tiến sĩ E.Salvana, Giám đốc Viện Sinh học phân tử và công nghệ sinh học tại Viện Y tế quốc gia thuộc Ðại học Philippines ở Manila, cả hai loại thuốc trên có thể làm nhịp tim tăng bất thường, dẫn tới rối loạn nhịp tim và đột tử.
* Ðại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan vừa ra thông báo cho biết, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Thái Lan và các nước trong khu vực (Lào, Campuchia) đã áp dụng các biện pháp cao nhất nhằm hạn chế đi lại. Trước tình hình này, Ðại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Thái Lan nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ Thái Lan, hạn chế tối đa về nước trong thời điểm hiện nay.
Ðể nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam có thể liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân của Ðại sứ quán là (+66) 898966653, hoặc số điện thoại: (+66) 2650 8979 trong giờ hành chính.