Tổng tài sản của nhóm VN30 cuối 2023: Quán quân thuộc về các ngân hàng
13 ngân hàng trong nhóm VN30 có tổng tài sản lên đến 10,2 triệu tỷ đồng, trong đó riêng top 3 ngân hàng có giá trị tài sản lớn nhất đạt hơn 6,1 triệu tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản cả 13 ngân hàng đạt được…
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý 4 và lũy kế cả năm 2023. Nhóm 30 doanh nghiệp trong rổ VN30 cũng đã công bố báo cáo tài chính. Theo ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp này đều có tổng giá trị tài sản lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp có khối tài sản “khủng” nhất phần lớn thuộc về các ngân hàng. Dẫn đầu về quy mô tài sản trong nhóm VN30 tính đến hết năm 2023 thuộc về ngân hàng BIDV (mã chứng khoán: BID) với 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Ngân hàng có quy mô tài sản lớn thứ hai là ngân hàng VietinBank (mã chứng khoán: CTG) với hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với thời điểm kết thúc năm 2022. Đứng vị trí thứ ba là ngân hàng Vietcombank (mã chứng khoán: VCB) có tổng tài sản đạt mức 1,8 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với năm 2022.
Tính đến hết ngày 31/12/2023, Ngân hàng MBBank (mã chứng khoán: MBB) có quy mô tài sản tăng 29,7% lên mức 944.953 tỷ đồng và xếp vị trí thứ tư. Theo sau là ngân hàng Techcombank (mã chứng khoán: TCB) với tổng tài sản dừng ở mức 849.482 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước 21,5%.
Trong các ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất còn có sự góp mặt của ngân hàng ACB (mã chứng khoán: ACB) với 718.794 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Tiếp đó, ngân hàng VPBank (mã chứng khoán: VPB) cũng ghi nhận quy mô tài sản tăng 29,6% trong năm 2023, lên mức 677.752 tỷ đồng.
Ghi nhận cho thấy, hầu hết các ngân hàng trong nhóm VN30 đều có tổng tài sản năm 2023 trong khoảng từ 266.000 tỷ đồng đến dưới 680.000 tỷ đồng, như: ngân hàng Sacombank (mã chứng khoán: STB) đạt 674.389 tỷ đồng (tăng 13,9%), ngân hàng SHB (mã chứng khoán: SHB) đạt 630.424 tỷ đồng (tăng 14,4%), ngân hàng HDBank (mã chứng khoán: HDB) đạt 602.314 tỷ đồng (giảm 4,4%), ngân hàng VIB (mã chứng khoán: VIB) đạt 409.880 tỷ đồng (tăng 19,6%), ngân hàng TPBank (mã chứng khoán: TPB) đạt 356.636 tỷ đồng (tăng 8,5%), ngân hàng SeABank (mã chứng khoán: SSB) đạt 266.107 tỷ đồng (tăng 15%).
Theo ước tính, 13 ngân hàng trong nhóm VN30 có tổng tài sản lên đến 10,2 triệu tỷ đồng, trong đó riêng top 3 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất đạt hơn 6,1 triệu tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản cả 13 ngân hàng đạt được.
Đối với các doanh nghiệp ngoài nhóm ngành ngân hàng, tổng tài sản trong năm vừa qua cũng ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, họ nhà Vin đóng góp 2 đại diện có tổng tài sản lớn nhất là Tập đoàn VinGroup (mã chứng khoán: VIC) với 669.617 tỷ đồng và Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) với 447.360 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 23,6% so với cùng kỳ.
Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH) cũng ghi nhận tổng tài sản năm 2023 tăng 9,7% lên hơn 211.205 tỷ đồng. Đối với nhóm ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) có quy mô tài sản ở mức 187.782 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 10,2%. Đại diện nhóm ngành tiêu dùng trong rổ VN30 là Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) có tổng tài sản 147.383 tỷ đồng, tăng 4,3% so với thời điểm kết thúc năm 2022.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có quy mô tài sản dưới 100.000 tỷ đồng trong nhóm VN30 thuộc về: PV GAS (mã chứng khoán: GAS) với 87.754 tỷ đồng, Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) với 84.681 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã chứng khoán: PLX) với 78.962 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) với 78.385 tỷ đồng, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: POW) với 70.347 tỷ đồng, Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) với 69.241 tỷ đồng, Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) với 60.352 tỷ đồng…