Tổng tài sản giao dịch của các ngân hàng Mỹ đạt đỉnh trong hơn 16 năm
Khối lượng tài sản giao dịch của các ngân hàng Mỹ đã vượt mốc 1.000 tỷ USD trong quý 3/2024, đạt mức cao nhất trong hơn 16 năm và gần chạm kỷ lục mọi thời đại ghi nhận trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chuyển dòng tiền từ trạng thái rảnh rỗi sang giao dịch
Con số này tiệm cận đỉnh hơn 1.000 tỷ USD ghi nhận hồi quý 1/2008, chỉ vài tháng trước khi bong bóng nhà đất vỡ dẫn đến cuộc khủng hoảng tín dụng, làm sụp đổ thị trường và đẩy kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái trầm trọng.
Ông Bill Moreland, người đứng đầu BankRegData - công ty chuyên theo dõi dữ liệu ngân hàng dựa trên báo cáo từ Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), nhận định các ngân hàng đang chuyển dòng tiền từ trạng thái rảnh rỗi sang giao dịch. Họ đặt cược vào tài sản tài chính thay vì hoạt động cho vay hoặc nền kinh tế, vì đó là nơi họ nhìn thấy lợi nhuận.
Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. JPMorgan Chase nắm giữ khoảng một nửa tổng tài sản giao dịch toàn ngành với 506 tỷ USD tính tới cuối quý 3/2024, tăng đáng kể so với mức 329 tỷ USD hồi đầu năm. Xu hướng tăng trưởng này cũng xuất hiện ở các ngân hàng lớn khác như Citigroup, Bank of America và Wells Fargo.
Goldman Sachs và Morgan Stanley, hai ngân hàng có mô hình kinh doanh phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động trên Phố Wall, cũng ghi nhận tài khoản giao dịch ở mức cao nhất trong nhiều năm.
Phân tích chi tiết cho thấy danh mục cổ phiếu phổ thông ghi nhận mức tăng mạnh nhất trên toàn ngành ngân hàng. Trong kỳ báo cáo, lượng cổ phiếu do JPMorgan nắm giữ đã tăng hơn gấp đôi, từ 85 tỷ USD hồi đầu năm lên 190 tỷ USD.
Song giới chuyên gia cảnh báo dù đà tăng trưởng này mang lại cơ hội lợi nhuận, nó cũng khiến các ngân hàng - đặc biệt là những ngân hàng lớn - dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường, do họ nắm giữ lượng lớn chứng khoán nhạy cảm với giá cả. Mức độ rủi ro hiện tại cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo ngân hàng và các nhà phân tích cho rằng mức độ rủi ro hiện thấp hơn đáng kể so với trước khủng hoảng. Họ lập luận rằng phần lớn hoạt động giao dịch hiện nay là theo yêu cầu của khách hàng hoặc hỗ trợ giao dịch cho khách hàng, không phải đầu tư mạo hiểm.
Luật Dodd-Frank cùng các quy định hậu khủng hoảng năm 2008 đã hạn chế khả năng đầu cơ của ngân hàng và bảo vệ tiền gửi của người dân.
Đánh giá VaR (ước tính mức lỗ tiềm năng hàng ngày trên thị trường) hiện chỉ bằng khoảng một nửa so với trước khủng hoảng.Và mặc dù khối lượng tài sản được giao dịch tăng mạnh, chúng chỉ chiếm 4% tổng tài sản của ngành ngân hàng, bằng khoảng một nửa tỷ lệ ghi nhận năm 2008.
Chuyên gia phân tích ngân hàng kỳ cựu Christopher Whalen của Institutional Risk Analyst nhận định hoạt động kinh doanh chính của các ngân hàng hiện nay là bán chứng khoán và đầu tư, chứ không phải tự nắm giữ những chứng khoán đó. Nhưng hoạt động giao dịch đang tăng và các ngân hàng không thể bán hết tất cả những gì họ muốn.
Triển vọng của ngành ngân hàng Mỹ sẽ tích cực hơn dưới thời Tổng thống mới
Ở một góc độ khác, ngành ngân hàng Mỹ được các chuyên gia dự đoán sẽ hưởng lợi lớn khi cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Theo các chuyên gia và nhà phân tích, sau khi trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ, ông Trump sẽ đưa các thành viên đảng Cộng hòa vào các vị trí lập pháp chủ chốt, đồng thời dự kiến sẽ nới lỏng các quy định về vốn và phê duyệt sáp nhập doanh nghiệp, điều mang lại lợi ích cho ngành ngân hàng.
Các lựa chọn chính sách của ông Trump có thể tiếp tục làm suy yếu Hiệp định Basel III - hiệp định yêu cầu các ngân hàng lớn có thêm vốn để dự phòng rủi ro từ các khoản vay không có khả năng thanh toán.
Mặc dù các ngân hàng đã giành được nhượng bộ quan trọng với lập luận rằng đề xuất này sẽ cản trở hoạt động cho vay và ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng theo một quan chức cấp cao của Fed, bản dự thảo quy định mới nhất vẫn có thể tăng yêu cầu về vốn lên khoảng 9% đối với các ngân hàng lớn nhất.
Ông Gene Ludwig, cựu quan chức giám sát ngân hàng và CEO của Ludwig Advisors, nhận định: "Hiệp định Basel có thể hoàn toàn bị hủy bỏ dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump". Sự thay đổi về quy định này có thể giúp trấn an các nhà đầu tư sau một năm khó khăn, khi nhiều cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng bởi lo ngại về các khoản vay xấu.
Hiệp định quốc tế Basel III đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các ngân hàng lớn do lo ngại quy định này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của họ. Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã đồng ý điều chỉnh và tái ban hành bộ quy định này vào tháng Chín vừa qua. Các quy định khác yêu cầu ngân hàng phải nắm giữ nhiều trái phiếu hơn, cùng với những thay đổi về quy định thanh khoản, cũng có thể bị xem xét lại.
Ông Dan Coatsworth, nhà phân tích đầu tư tại AJ Bell, cho biết: "Triển vọng của ngành ngân hàng sẽ tích cực hơn dưới thời ông Trump. Các ngân hàng sẽ ít bị ràng buộc hơn và có thể sử dụng nhiều tiền mặt hơn cho hoạt động cho vay hoặc mua lại cổ phiếu".
Việc ông Trump bổ nhiệm các vị trí quan trọng tại các cơ quan chủ chốt có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho ngành ngân hàng, vốn quen với nhịp độ thay đổi chậm hơn. Theo ông Ed Mills, nhà phân tích tại Raymond James, đây sẽ giống như một cơn địa chấn đối với chính sách sáp nhập và các quy định của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, bà Meg Tahyar, trưởng nhóm tài chính tại công ty luật Davis Polk, lưu ý rằng sự thay đổi lớn có thể không diễn ra. Bà nói thêm: “Sẽ có thay đổi về nhân sự cấp cao và sẽ có nhiều hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) hơn, nhưng sự giám sát và mức độ chú ý đến các khoản phí có thể vẫn không thay đổi nhiều".
Giá cổ phiếu của các ngân hàng quy mô trung bình đã tăng vào phiên 6/11, nhờ kỳ vọng yêu cầu về vốn sẽ được nới lỏng. Nhiều giám đốc điều hành trong ngành đã kêu gọi việc hợp nhất các ngân hàng tại Mỹ, quốc gia hiện có hơn 4.600 ngân hàng.
Việc sáp nhập sẽ giúp các ngân hàng nhỏ cạnh tranh hiệu quả hơn với các đối thủ lớn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các yếu tố như bất ổn chính sách, chiến tranh thương mại và áp lực lạm phát dưới thời ông Trump có thể vẫn tạo ra một số thách thức cho hoạt động sáp nhập.