Tổng tài sản và tiền gửi khách hàng tại nhiều ngân hàng sụt giảm bất thường
6 tháng đầu năm 2021, một số ngân hàng quy mô nhỏ đều ghi nhận tổng tài sản và tiền gửi của khách hàng sụt giảm đáng kể.
Tổng tài sản tại loạt ngân hàng sụt giảm
Hiện tại, các ngân hàng đang lần lượt công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với kết quả kinh doanh khả quan. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng quy mô nhỏ ghi nhận tổng tài sản giảm so với thời điểm đầu năm 2021.
Đơn cử, tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của ngân hàng Bac A Bank giảm 5.905 tỷ đồng, tương đương giảm 5% so với cuối năm 2020. Chủ yếu là do tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 31% còn 504 tỷ đồng, tiền gửi tại TCTD khác giảm mạnh 55% xuống 5.246 tỷ đồng.
Ngân hàng Saigonbank (UPCoM: SGB) cũng là một trường hợp tương tự với tổng tài sản giảm ít nhất với 1.072 tỷ đồng, tuy nhiên mức độ giảm so với đầu năm lại lên đến 4,5%. Đáng chú ý, tiền gửi tại NHNN giảm 13%, tiền gửi tại TCTD khác giảm 9% và cho vay khách hàng giảm 1%.
Tiền gửi khách hàng sụt giảm tại các ngân hàng quy mô nhỏ
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất từ NHNN, 5 tháng đầu năm 2021, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,27 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tiền gửi dân cư tăng nhẹ 2,6% tính đến hết tháng 5/2021, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 là 4%. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại tăng mạnh 5 triệu tỷ đồng, tương đương 3,3%.
Theo báo cáo tài chính, tính đến 30/6/2021, tiền gửi khách hàng tại một số ngân hàng quy mô nhỏ ghi nhận sự sụt giảm đáng kể.
Đầu tiên phải kể tới ABBank, tính đến cuối quý 2/2021 số dư tiền gửi khách hàng đạt 67.136 tỷ đồng, giảm 7,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn tại ABBank giảm 4.500 tỷ đồng xuống còn 54.580 tỷ đồng; tiền gửi không kỳ hạn cũng sụt giảm hơn 1.000 tỷ, còn 11.363 tỷ đồng.
Tiếp đến, tại SeABank, tiền gửi của khách hàng sụt giảm hơn 5.200 tỷ đồng, tương đương giảm 4,7% xuống còn 107.984 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm gần 28,6% xuống còn 7.914 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn giảm nhẹ 2% còn 99.389 tỷ đồng so với đầu năm.
Ngoài ra, tính đến 30/6/2021 tiền gửi khách hàng tại ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, UPCoM: BVB) giảm 4% so với đầu năm, xuống còn 39.901 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn chỉ đạt 37.480 tỷ đồng, tương đương giảm 4%; tiền ký quỹ cũng giảm 6% so với đầu năm.
Tiền gửi khách hàng tại PGBank cũng giảm nhẹ 0,2% so với đầu năm và tại Saigonbank cũng giảm nhẹ 0,3%.
Tuy các ngân hàng trên đều ghi nhận tổng tài sản và tiền gửi khách hàng giảm nhưng lợi nhuận lại tăng đáng kể. Thậm chí có ngân hàng đã vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.
Đơn cử, NCB ghi nhận lãi trước và sau thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 126 tỷ đồng và 101 tỷ đồng, đều tăng gấp 5,4 lần cùng kỳ; SeABank có lãi trước và sau thuế gấp 2,3 và 2,4 lần cùng kỳ, đạt hơn 1.556 tỷ đồng và hơn 1.238 tỷ đồng. Như vậy, SeABank đã thực hiện được 64% chỉ tiêu sau 6 tháng.
Tương tự, lãi trước và sau thuế 6 tháng đầu năm của ABBank tăng lần lượt 88% và 90% so với cùng kỳ ghi nhận hơn 1.191 tỷ đồng và gần 953 tỷ đồng. Như vậy, ABBank đã thực hiện được 60% kế hoạch năm.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, Saifgonbank ghi nhận lãi trước và sau thuế tăng 9%, đạt gần 137 tỷ đồng và hơn 109 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch 135 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2021, chỉ sau nửa đầu năm, Saigonbank đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 21/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng hơn 3%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt gần 5,5%. Điều này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đã chậm lại thời gian qua.