Tổng thanh tra các nhà mạng để xử lý một người đăng ký nhiều sim
Có một con số hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo xử lý rất mạnh mẽ, đó là 261 người, mỗi người đăng ký trên 1.000 sim và tổng số sim đăng ký của 261 người này là 1,5 triệu.
Đây là thông tin đáng chú ý được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời đại biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 4/11 về vấn đề quản lý thuê bao di động, xử lý sim rác.
Tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến chuyện một người nhiều sim
Đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn Lai Châu) chất vấn: Việc lợi dụng sim rác để tạo các tài khoản giả đăng tải những nội dung thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước và sử dụng vào các mục đích sai phạm khác gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của giới trẻ. Xin Bộ trưởng cho biết đến bao giờ môi trường mạng ở Việt Nam mới thật sự được quản lý chặt chẽ để môi trường mạng thật sự trở thành môi trường sạch?
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cho biết, việc thực hiện chuẩn hóa xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 3 doanh nghiệp chiếm 96% thị phần là Viettel, VNPT, Mobifone mới rà soát, đối chiếu được hơn 24% tổng số giấy tờ thuê bao. Theo Báo cáo số 158 của Bộ Thông tin và Truyền thông thì mục tiêu hoàn thành 100% việc đối soát này trong tháng 11/2022. Như vậy, còn chưa đầy một tháng nữa phải rà soát, đối chiếu xong 58 triệu thuê bao di động còn lại.
“Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá về tính khả thi và giải pháp để đạt được mục tiêu nêu trên của Bộ Thông tin và Truyền thông góp phần loại bỏ sim rác”, đại biểu nêu.
Tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã có chất vấn đối với Bộ trưởng về vấn đề sim rác rồi, vẫn còn tình trạng sim rác tới nay là chúng ta chưa xử lý được. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân tại sao tới giờ phút này vẫn còn tình trạng sim rác?
Xử lý sim rác để ngăn chặn lừa đảo, cuộc gọi rác
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung vào việc xử lý sim rác. Đây chính là một trong những phương tiện để thực thi các hoạt động lừa đảo.
“Tất cả các thuê bao không có đầy đủ thông tin là xóa khỏi hệ thống. Năm 2018 còn 22 triệu số thuê bao không có thông tin đầy đủ và đến năm 2022, chúng ta đã cương quyết và hiện nay thì không còn.
Hiện nay rất may là chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các nhà mạng đang thực hiện việc đối soát, đã được 1/4 và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là cơ bản trong năm nay, cùng lắm là đến đầu năm 2023 phải xong, tức là dữ liệu đấy được chính xác”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xử lý xong vấn đề này sẽ ngăn chặn được một cách rất đáng kể chuyện dùng số điện thoại để lừa đảo, cuộc gọi rác không liên quan. Tuy nhiên, nếu mong muốn xử lý "triệt để" theo nghĩa bằng 0 thì chắc không làm được, mà sẽ đưa về mức chấp nhận được.
Đáng quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Có một con số hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo giải quyết rất mạnh mẽ, đó là 261 người, mỗi người đăng ký trên 1.000 sim và tổng số sim đăng ký của 261 người này là 1,5 triệu; 5.700 người, mỗi người đăng ký trên 100 sim, tổng số sim này là 2,8 triệu; 270.000 người, mỗi người đăng ký trên 10 sim, tổng số sim này 7,8 triệu.
“Chúng tôi đặt mục tiêu xử lý chính chủ là bước thứ ba và bắt đầu làm ngay từ cuối năm nay bằng cách tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến chuyện một người nhiều sim. Chúng ta ra luật một người được đăng ký nhiều sim, nhưng quy định rất rõ là chỉ được đăng ký thay cho con mình nếu con mình dưới 14 tuổi và đăng ký cho người mình giám hộ, ngoài những người đấy là không đúng pháp luật.
Tôi nghĩ mình làm xong bước thứ hai là thông tin chính xác, làm bước thứ ba là chuyện chính chủ thì vấn đề sim rác sẽ được giải quyết một cách cơ bản”, Bộ trưởng trả lời.
Chuẩn bị đấu giá kho số viễn thông và tên miền Internet
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời là một trong những biện pháp quan trọng để chúng ta giải quyết sim rác một cách triệt để, một cách căn bản. Trước khi cơ sở dữ liệu quốc gia đưa vào vận hành, khai thác thì Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rất mạnh mẽ một việc, tức là loại 22 triệu sim thông tin không đầy đủ. Đấy là một việc rất vất vả, làm trong gần 3 năm, thậm chí đã dùng đến một mức là tổ chức thanh tra toàn diện và có công văn nhắc nhở trực tiếp, ký tên từng người chủ tịch, tổng giám đốc của các doanh nghiệp viễn thông.
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến thời điểm hiện nay, số lượng thuê bao điện thoại di động là 127,2 triệu, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam thành một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao trên thế giới.
Ngày 31/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 611/QĐ-BTTTT về việc kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định, sim sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tổng số tiền phạt là gần 3 tỷ đồng cho 7 doanh nghiệp viễn thông là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, ITel, Mobicast.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tiến hành các bước triển khai để chuẩn bị đấu giá kho số viễn thông và tên miền Internet theo Quyết định số 16/2021/QĐ-TTg. Tuy nhiên, việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông có tính chất phức tạp tương tự như việc đấu giá biển số xe.
Ngoài ra kho số viễn thông còn có tính chất kỹ thuật đặc thù phải tuân thủ các quy định của các tổ chức quốc tế nên chưa thể triển khai do chưa đồng bộ về pháp lý trong quy định đấu giá, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm trong việc xác định giá khởi điểm để đấu giá...